Truyền thông tốt, giúp giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm

25/06/2020 | 07:48 GMT+7

Qua tuần lễ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika, bệnh tay - chân - miệng,... và vệ sinh môi trường phòng bệnh, nhận thức của người dân đã được nâng lên và các chỉ số nguy cơ dịch bệnh giảm đáng kể.

Kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước ở nhà hộ dân ở ấp Long An, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A.

Lăng quăng trong dụng cụ chứa nước gia đình đã giảm nhiều

Những ngày diễn ra tuần lễ hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống bệnh sốt xuất huyết lần thứ 10, Ngày vệ sinh yêu nước, vệ sinh môi trường và phòng bệnh do vi-rút zika, bệnh tay - chân - miệng năm 2020, ở tất cả các ấp, khu vực của tỉnh, có rất nhiều đoàn cán bộ ấp, khu vực, nhân viên y tế đã đến từng nhà dân vận động, tuyên truyền về các kiến thức phòng bệnh và yêu cầu người dân duy trì thường xuyên diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường phòng bệnh. Ông Văn Công Phú, Phó Bí thư Chi bộ ấp Long An, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, cho biết: “Ở ấp chúng tôi thành lập nhiều đoàn phối hợp với nhân viên y tế đi tuyên truyền, vận động, kiểm tra lăng quăng, kiểm tra điều kiện môi trường sống ở từng nhà dân. Dụng cụ chứa nước nào có lăng quăng sẽ yêu cầu đổ ngay để diệt lăng quăng. Một số gia đình ở nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ thì chúng tôi làm hộ và hướng dẫn người dân kiểm tra lăng quăng, vệ sinh nhà cửa thường xuyên”.

Tư duy, thói quen của người dân đã chuyển biến tích cực sau khi hiểu mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Bà Trần Thị Thúy Loan, ở ấp Long An, thị trấn Cái Tắc, chia sẻ: “Cán bộ ấp với mấy anh chị y tế đến hướng dẫn, nhắc nhở mình thường xuyên vệ sinh nhà cửa, kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước. Gần đây, tôi chỉ xách nước xài trong ngày, hạn chế trữ nước trong lu, hũ không để lăng quăng phát triển. Mới đây, con gái tôi Trần Bích Huyền, 5 tuổi, bị bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị một tuần, vừa lo lắng, vừa mất thời gian dở dang việc làm và tốn chi phí. Bây giờ gia đình tôi rất chú trọng khâu phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ấp Long An khoảng thời gian gần đây dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trở lại, ấp có đến 4 bệnh nhân sốt xuất huyết và là ổ dịch bệnh được quan tâm kiểm soát chặt chẽ ở địa phương.

Theo bà Cao Thị Minh Hiền, Trưởng trạm Y tế thị trấn Cái Tắc: “Tất cả các ấp đã đi tuyên truyền quyết liệt để nâng cao nhận thức của người dân, mỗi nhà đều phát tờ rơi tuyên truyền để dán trong nhà. Bên cạnh đó, tuyên truyền qua băng rôn, loa truyền thanh. Kết quả sau chiến dịch chỉ số Breteau (chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra) ở thị trấn giảm từ 18 trước chiến dịch còn 6 sau chiến dịch, riêng ấp Long An lúc đầu là 22 sau giảm còn 8, đã giảm trên dưới 3 lần sau triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh”.

Tại thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chỉ số này cũng giảm sâu. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Phó trưởng Trạm Y tế thị trấn Cây Dương, cho biết: “Chiến dịch được triển khai đồng loạt giảm chỉ số Breteau từ 1,5 xuống còn 0 sau tuần lễ. Trên địa bàn thị trấn được chọn làm điểm triển khai lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống bệnh sốt xuất huyết lần thứ 10 nên hoạt động diễn ra rầm rộ, nên hiệu quả tuyên truyền đạt khá cao”.

Ý thức của người dân vẫn là yếu tố then chốt phòng bệnh

Các hoạt động tuyên truyền, phòng dịch đã cho thấy hiệu quả tích cực, dịch bệnh giảm sâu hơn trên địa bàn tỉnh, hơn tuần qua chỉ có 1 cas bệnh sốt xuất huyết, 1 cas bệnh tay - chân - miệng. Tuy nhiên, theo các địa phương dù ngành chức năng có nỗ lực như thế nào vẫn là giải pháp nhất thời, quan trọng nhất là ý thức thực hành của người dân. “Chúng ta không thể lúc nào cũng có mặt trực tiếp thực hiện các giải pháp phòng bệnh ở nhà mỗi hộ dân. Thời điểm mưa nhiều như hiện nay, nếu lơ là chỉ vài 3 ngày là lăng quăng đã có trong dụng cụ chứa nước, nên mỗi người dân cần quan tâm thường xuyên thực hành phòng bệnh”, bà Cao Thị Minh Hiền, Trưởng trạm Y tế thị trấn Cái Tắc, khẳng định.

Thực tế, nhiều gia đình rất khó khăn, không có thời gian vì phải đi làm công ty cả ngày về nhà là tối mịt, lo cơm nước, con cái,... Cán bộ đi tuyên truyền chỉ có người già, trẻ em ở nhà nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông.

Nhằm kêu gọi sự tham gia phòng dịch nhiệt tình của người dân, ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, mong muốn: “Nhân dân hãy cùng nhau tự bảo vệ sức khỏe gia đình mình bằng những hành động tích cực. Từng hộ gia đình mỗi tuần hãy dành 10 phút để kiểm tra lăng quăng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh để cùng ngành chức năng đẩy lùi dịch bệnh truyền nhiễm”.

Dự báo mùa mưa về dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có chiều hướng gia tăng

Ông Võ Hoàng Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nhấn mạnh: “Dù dịch bệnh giảm 6 tháng qua, tuy nhiên dự báo khi mùa mưa về dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có chiều hướng gia tăng. Nên ngoài sự nỗ lực của ngành y tế cần có sự phối hợp tích cực của ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay của người dân. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika chỉ cần diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt; phòng bệnh tay - chân - miệng chỉ cần thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Và không ai có thể làm tốt hơn chính các cá nhân trong gia đình”.

 

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>