Nỗ lực kiểm soát, giảm tác hại HIV/AIDS

26/10/2020 | 09:12 GMT+7

“Tình hình lây nhiễm HIV đã từng bước được kiểm soát trong các nhóm nguy cơ cao và toàn cộng đồng, làm giảm gánh nặng bệnh tật đối với người nhiễm và những người chịu ảnh hưởng”, là những chia sẻ của ông Võ Chí Đại (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 54/2005/CT-TW của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh.

Trước tiên, xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay ?

- Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại Hậu Giang được phát hiện vào năm 1993 đến nay dịch HIV/AIDS đã có ở tất cả các huyện, thị xã, thành của tỉnh và ở 75/75 xã, phường, thị trấn đều có cas bệnh. Lũy tích người nhiễm HIV đã trên 1.760 người. Trong đó, đã có 588 người tử vong, số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống là 1.174 người, số người nhiễm HIV còn sống được quản lý, điều trị ở tỉnh là 774 người. 15 năm qua, công tác truyền thông, tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện được tăng cường nhằm phát hiện sớm người nhiễm và công tác hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh này được quan tâm nên số trường hợp tử vong từng bước giảm. Người bệnh có thể sống lâu hơn khi nhiễm HIV/AIDS.

Hiện tỷ lệ nhiễm của tỉnh Hậu Giang trên dân số là 0,226%. Trong đó huyện có số người nhiễm theo thứ tự từ cao nhất là huyện Phụng Hiệp với 461 người nhiễm; thấp nhất là huyện Long Mỹ với 92 người. Đường lây truyền HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục chiếm trên 70%, qua đường máu gần 15%, còn lại truyền qua đường từ mẹ sang con.

Qua triển khai, thực hiện Chỉ thị số 54 đã tác động tích cực như thế nào đến hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, thưa ông ?

- Qua 15 năm, đã tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Công tác kiểm tra, giám các cấp ủy đảng, Chính quyền cấp trên đối với cấp ủy, chính quyền cấp dưới thường xuyên hơn để đạt yêu cầu đề ra. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới cũng được nâng cao. Công tác phòng, chống HIV/AIDS gắn với xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống trong Nhân dân. Cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh, huyện đến cơ sở, thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Các hoạt động phối kết hợp thực hiện được đẩy mạnh giữa các ngành, các cấp và các cơ quan đoàn thể, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân để người dân hiểu và có biện pháp phòng, chống hiệu quả, phát hiện sớm người bệnh, điều trị kịp thời, giảm lây nhiễm trong cộng đồng và giảm kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS. Việc tổ chức thực hiện rộng khắp, đặc biệt là công tác truyền thông đa dạng hình thức: Truyền thông gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo, đài, truyền hình, Cổng thông tin điện tử. Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp: truyền thông nhóm nhỏ, thảo luận nhóm, tư vấn nhóm, cá nhân… thông qua đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng, y tế ấp,… đã mang lại hiệu quả tích cực.

Nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS luôn được đảm bảo; các tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ đầu tư cho tỉnh Hậu Giang. Kinh phí hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS mua thẻ bảo hiểm y tế và đồng chi trả thuốc ARV được UBND tỉnh cấp từ năm 2019. Trong 15 năm qua, cùng với việc tranh thủ các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS với tổng số tiền 16,5 tỉ đồng thì công tác xã hội hóa trong phòng, chống HIV/AIDS cũng được đẩy mạnh.

Hoạt động tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS được quan tâm những năm qua.

Ngành có định hướng gì trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh, thưa ông ?

- Chúng tôi luôn xác định HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc, chính vì vậy để ngăn chặn đại dịch này cần tiếp tục có sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Chỉ thị số 54 cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Trong thực tế vẫn còn những khó khăn, như nhận thức của Nhân dân về phòng, chống HIV/AIDS mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng thay đổi hành vi chưa có tính bền vững; một số nơi vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS, bản thân những người bị nhiễm căn bệnh này còn mặc cảm, bi quan, chưa thật sự hòa nhập với cộng đồng, gây cản trở việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này; cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS nhìn chung còn thiếu, hạn chế về trình độ chuyên môn, do vậy khó khăn trong việc quản lý điều hành, kiểm tra, giám sát và đánh giá. Đây là những vấn đề cần khắc phục để công tác này đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ để người nhiễm HIV/AIDS ổn định cuộc sống, hòa nhập và được chăm sóc tại nhà và cộng đồng.

Xây dựng và phát triển nhiều mô hình phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng

 

Toàn tỉnh có 75 câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của gần 450 người nhiễm HIV, gần 50 thân nhân người nhiễm và hơn 400 các thành viên khác. Song song đó, mô hình phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được duy trì tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, việc xây dựng các mô hình này đã tác động mạnh mẽ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS trong Nhân dân trong đó có cả người nhiễm HIV, người có nguy cơ lây nhiễm HIV và thành viên gia đình họ; số người tiếp cận với các dịch vụ về HIV/AIDS ngày càng tăng.

 

Xin cảm ơn ông !     

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>