Cảm phục những gia đình hiếu học

05/07/2018 | 08:48 GMT+7

Học để làm người, học để thay đổi số phận, học để vươn lên... là cách giáo dục của nhiều gia đình cho con em mình và từ những gia đình hiếu học, đã có nhiều nhân tài góp phần xây dựng quê hương, đất nước. 

Ở tuổi xế chiều, vợ chồng thầy Trường, cô Lan cảm thấy vui và tự hào vì các con đã nên người.

Vừa dạy học, vừa làm ruộng nuôi con ăn học

Về thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, hỏi về gia đình hiếu học của thầy giáo Lê Văn Trường, hầu như nhiều người ở đây ai cũng biết. Không chỉ được mọi người biết đến là một gia đình mẫu mực, dạy con nên người mà con cái của vợ chồng thầy Trường ai nấy đều thành đạt có công ăn việc làm ổn định. Thầy Trường tâm sự: “Lớn lên trong gia đình nghèo khó, nên vợ chồng tôi thấm thía được nỗi khổ nếu không được học chữ lắm, nên dù kinh tế còn nhiều khó khăn, vợ chồng vẫn cố gắng lo cho 6 đứa con học đến nơi đến chốn. Lúc trước, lương giáo viên cũng chẳng được bao nhiêu, nhà lại đông người, để có thêm tiền trang trải sinh hoạt gia đình và lo cho các con, ngoài giờ đi dạy, vợ chồng tôi cũng làm ruộng thêm”.

Bằng sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời của cha mẹ, các con của thầy Trường đều cố gắng chăm ngoan học giỏi. Tất cả 6 người con của vợ chồng thầy đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Riêng người con trai thứ 3 trong gia đình, hiện làm Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và đang bảo vệ luận văn tiến sĩ. Để các con có được như ngày hôm nay, thầy Trường cũng không quên được những ngày khó khăn đã qua. “Lúc đó, lương giáo viên thấp, làm ruộng thì chưa tới mùa thu hoạch, thằng con trai thứ 3 đã thi cuối kỳ xong, đến hạn phải đóng học phí. Mình thì cứ tưởng học phí đại học cũng đóng như ở các trường dưới mình, muốn đóng khi nào cũng được nên gắng đợi làm lúa rồi đóng, ai ngờ đóng trễ hơn thời hạn quy định, nhà trường đòi hủy kết quả học tập. Tôi phải lên tận trường, năn nỉ lắm mới được nhà trường chấp nhận giữ lại kết quả cho thằng nhỏ”, thầy Trường chia sẻ.

 Gánh nặng gia đình không chỉ đè nặng lên đôi vai của người đàn ông trụ cột chính trong gia đình là thầy Trường, việc nuôi 6 đứa con nên người đối với vợ thầy là cô Dương Thị Thanh Lan, cũng không hề nhẹ nhàng. Cô Lan nói: “Vợ chồng tôi đều làm giáo viên, nên phải tranh thủ sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc ở trường rồi chăm sóc cho gia đình nữa. Ngày trước điều kiện đi lại khó khăn lắm, từ nhà ra trường phải qua 4-5 cây cầu khỉ, mà lúc đó con còn nhỏ nhầm bữa tranh thủ giờ ra chơi tôi cũng chạy về nhà nấu cơm, coi mấy đứa nhỏ tại có mình bà nội chăm sóc cháu ở nhà. Mặc dù cuộc sống lúc đó khó khăn đủ thứ, nhưng chưa khi nào vợ chồng tôi có ý định cho đứa con nào nghỉ học cả. Vì chúng tôi biết rằng, có đi học mới có thể thay đổi được số phận, giờ nhìn tụi nhỏ thành đạt vợ chồng tôi thấy vui và tự hào lắm”. Hiện nay, thầy Trường vẫn tham gia vào Hội Cựu giáo chức của huyện Châu Thành, với chức danh chủ tịch hội.

Buôn gánh bán bưng để con được đến trường

Vượt qua nỗi đau mất chồng, hơn 26 năm qua, một mình cô Nguyễn Thị Phương, 62 tuổi, ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, đã gồng gánh gia đình nuôi con ăn học nên người. Cô Phương bộc bạch: “Ngày trước, vợ chồng tôi cũng nghèo lắm, nhà chỉ có 2 thằng con trai thôi, chật vật lắm mới lo cho mấy đứa nhỏ được no đủ. Lúc chồng tôi mất, mọi gánh nặng gia đình chỉ còn một mình tôi gánh vác, khi đó đứa con trai lớn mới vào lớp 7, còn thằng nhỏ thì học lớp 5. Thời đó, đường sá đi lại cũng khó khăn, nên đi học cũng cực lắm, khi  thằng con trai lớn vào đại học cũng dẫn em theo vào Cần Thơ học phổ thông luôn, để anh em tiện lo cho nhau. Khi hai đứa nhỏ học ở Cần Thơ, nhà cũng khó khăn nên mỗi tuần tôi chỉ cho được 50.000 đồng để ăn uống, đóng tiền nhà thôi”.

Thời gian đầu, khi người con trai lớn vào đại học, với đồng lương ít ỏi không đủ lo toan cuộc sống, cô Phương đã mở một quán nước nhỏ ở chợ Bảy Ngàn cũ để buôn bán kiếm thêm thu nhập. Biết gia đình khó khăn, nên khi được mẹ mua cho chiếc xe máy thay cho chiếc xe đạp cũ, người con trai lớn của cô Phương cũng tranh thủ thời gian nghỉ học để đi chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ khi phải vừa làm mẹ vừa làm cha, hai người con trai của cô Phương giờ đã quyết tâm học thành tài. Hiện người con trai lớn đã mở được công ty nhỏ chuyên về chế biến thực phẩm, còn người con trai út hiện đã lấy được bằng thạc sĩ tài nguyên môi trường. Khi chúng tôi hỏi “bí quyết” nuôi dạy các con, cô Phương cười vui, cho biết: “Có gì đâu, để con noi theo thì bản thân mình phải gương mẫu trước. Tôi luôn nhắc nhở các con là phải cố gắng học, để sau này có thể tìm được một công việc đàng hoàng, con chịu học dù bán một xề khoai, mẹ vẫn cố gắng làm để cho con được đi học. Có lẽ, cũng hiểu được nỗi vất vả của mẹ, nên đứa nào cũng chăm ngoan và thành đạt như ngày nay”.

Rồi những tháng ngày gian khó đã qua, những gia đình hiếu học của thầy Trường, cô Lan hay gia đình cô Phương đều tự hào vì công sức bỏ ra đã được các con đền đáp xứng đáng.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>