Trả lời kiến nghị của cử tri

05/01/2018 | 07:57 GMT+7

Cử tri kiến nghị xem xét cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với vợ và con thương binh.

Cử tri kiến nghị:

Cử tri kiến nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh các quy định về chế độ hỗ trợ tang lễ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần nhưng không còn thân nhân trực tiếp (được con dâu hoặc cháu phụng dưỡng, chăm sóc). Nâng mức trợ cấp đối với người có công và người thờ cúng liệt sĩ, thân nhân thờ cúng liệt sĩ, nâng chế độ tiền tuất, thờ cúng đối với đối tượng là vợ có hai chồng là liệt sĩ; xem xét cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với vợ và con thương binh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:

1. Về chế độ hỗ trợ tang lễ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng qua đời, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí không phân biệt còn thân nhân trực tiếp hay không còn thân nhân trực tiếp.

Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 3 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng với thành phần đại diện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan, đơn vị phụng dưỡng và nhân dân nơi bà mẹ cư trú. Kinh phí tổ chức lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng không quá 2 tháng lương tối thiểu chung cho 1 trường hợp.

2. Về kiến nghị nâng mức trợ cấp đối với người có công, người thờ cúng liệt sĩ:

Trong điều kiện kinh tế đất nước còn gặp khó khăn nhưng hàng năm Nhà nước đều dành một phần ngân sách đảm bảo các chế độ ưu đãi đối với người có công thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người có công và thân nhân của họ. Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 06/7/2017 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.417.000 đồng (tăng 7,511%, cao hơn tỷ lệ tăng mức lương cơ sở 7,438%) và thực hiện kể từ ngày 01/7/2017.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng dành nhiều sự quan tâm đối với người có công và thân nhân. Hiện nay, thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công, trình Trung ương 7 khóa XII vào năm 2018.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này để đề ra các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Về kiến nghị nâng chế độ tiền tuất, thờ cúng đối với đối tượng là vợ có hai chồng là liệt sĩ:

Đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác cũng là liệt sĩ, nếu đủ điều kiện theo quy định vẫn được thực hiện chế độ trợ cấp tuất đối với vợ (chồng) liệt sĩ tái giá bên cạnh chế độ trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ. Kiến nghị của cử tri về việc nâng chế độ tiền tuất, thờ cúng đối với đối tượng là vợ có hai chồng là liệt sĩ là khó có thể thực hiện được trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu để sửa đổi bổ sung chính sách khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép.

4. Về kiến nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với vợ và con thương binh:

Hiện nay, Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định mở rộng đối tượng được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Theo đó, tại khoản 2 Điều 21 của Pháp lệnh quy định:

Thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng (theo quy định trước đây thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mới được Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị bệnh, tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng bảo hiểm y tế vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên).

Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, chưa thể mở rộng đối tượng được Nhà nước mua bảo hiểm y tế như ý kiến cử tri kiến nghị. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri để nghiên cứu, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước cho phép.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>