Thực hiện tốt công tác bảo tồn và giữ rừng

29/01/2017 | 05:41 GMT+7

Không chỉ được biết đến là nơi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh (với 1.404ha), mà Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (khu bảo tồn) còn là nơi bảo tồn nhiều loài động, thực vật hoang dã quý hiếm. Chính vì vậy, công tác bảo tồn và giữ rừng luôn được Ban Giám đốc, nhân viên nơi đây đặc biệt quan tâm, nhất là vào những tháng cao điểm mùa khô hàng năm.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh (giữa) đánh giá cao công tác PCCCR và chống xâm nhập mặn khi kiểm tra tại Lung Ngọc Hoàng trong mùa khô vừa qua.

Điểm đáng ghi nhận của khu bảo tồn trong mùa khô năm 2016 vừa qua chính là đơn vị cùng lúc làm tốt 2 nhiệm vụ quan trọng gồm: phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và ứng phó với xâm nhập mặn. Để làm được điều này, khu bảo tồn đã tiến hành nạo vét 3 công trình trữ nước ngọt, sửa chữa 4 cống hở và tuyến đê bao từ Lung Sen đến Lung Lớn, đồng thời đắp đập thời vụ ở các đầu kênh của khu bảo tồn, nhằm đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ khi có sự cố và phòng chống xâm nhập mặn hiệu quả.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng Lư Xuân Hội cho biết: Năm 2016, đơn vị đã tập trung thực hiện có hiệu quả các mặt công tác trọng tâm do UBND tỉnh giao. Đặc biệt, công tác phòng, chống xâm nhập mặn và PCCCR được tăng cường bằng nhiều biện pháp để làm hạn chế nguy cơ cháy rừng, mà trọng tâm là tổ chức nhiều đợt tuyên truyền và được đa số người dân đồng tình hưởng ứng. Mặt khác, tổ chức lực lượng ứng trực văn phòng, tháp canh đúng quy định để sẵn sàng ứng phó hiệu quả.

Cán bộ khu bảo tồn luôn thực hiện tốt việc tuần tra nên công tác bảo tồn và giữ rừng được đảm bảo.

Nhất là với phương châm “phòng ngừa là chính, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ” nên diện tích rừng tại đơn vị được bảo vệ tốt, góp phần vào thành tích chung của tỉnh là 6 năm liền không để xảy ra cháy gây ảnh hưởng đến rừng. Song song với thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng nêu trên, trong năm 2016 cũng như thời gian qua, lãnh đạo khu bảo tồn còn làm tốt công tác gia tăng độ che phủ rừng và bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước tại đơn vị mình quản lý nhằm tạo nơi cư trú cho nhiều loài sinh vật bản địa.

Trên thực tế, đến Lung Ngọc Hoàng hôm nay, chạy xe trên tuyến lộ nhựa rộng 3,5m từ cầu Xáng Bộ vào khu bảo tồn (dài khoảng 5km) thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, chúng ta dễ dàng thấy được hai hàng cây xanh rợp bóng dọc theo bên đường, trong đó cây cà na chiếm số lượng nhiều nhất. Còn từ trụ sở khu bảo tồn đi vào Lung Sen thì xuất hiện thêm cây mít, mãng cầu, chuối... Tuy nhiên, điều thích thú nhất có lẽ là được tận mắt ngắm một số loài hoa rừng đặc trưng, thỉnh thoảng còn thấy bầy vịt trời, đàn cò trắng hay những con bìm bịp bất chợt bay lượn lờ trông rất đẹp mắt.

Nếu ai không sợ độ cao thì leo lên đỉnh tháp canh (cách mặt đất 25m) sẽ chiêm ngưỡng những dải rừng tràm xanh mượt được bao quanh bởi những dòng kênh, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, cũng nhờ được bảo tồn nghiêm ngặt và hàng năm đều tổ chức thả tái tạo nhiều loài vật bản địa nên các loài rùa, rắn, cá… hiện đang phát triển về số lượng và chủng loại.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng Lư Xuân Hội cho biết thêm: Tới đây, đơn vị sẽ xin ý kiến lãnh đạo tỉnh về việc khôi phục mô hình gác kèo ong lấy mật, cũng như xây dựng một số khu vui chơi giải trí để khách du lịch có thể trải nghiệm cùng với người dân địa phương sống dọc theo các con kênh nhưng không có tác động đến sự tự nhiên của vùng đất nơi đây. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn và giữ rừng nhằm duy trì, phát huy những mặt công tác tích cực trong thời gian qua…

TUẤN PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>