Gia đình “đỏ” giữa cái nôi cách mạng

26/01/2017 | 11:58 GMT+7

Thời chiến, Hậu Giang được biết đến là cái nôi cách mạng, là vùng đất tranh chấp ác liệt giữa ta và địch, biết bao người con đã lên đường vì nghĩa lớn. Thời bình, “hậu nhân” tiếp nối truyền thống cha anh, chung tay góp sức xây dựng quê hương thêm đổi mới, giàu đẹp. Cũng chính vì thế mà đã xuất hiện nhiều gia đình có 3 thế hệ theo Đảng, theo Bác Hồ. Trong đó, gia đình bà Hai Rạng (Võ Thị Rạng), ở ấp 5, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, là một điển hình.

Tiền nhân nêu gương

Hôm chúng tôi đến cũng là lúc con, cháu bà Hai Rạng tụ họp về để chung vui, chúc phúc sau một năm công tác, lao động, học tập vất vả. Đây còn là dịp để họ hướng về cội nguồn, tiếp nối truyền thống cha ông.

Bà Võ Thị Rạng một lòng luôn hướng về Đảng, hướng về Bác Hồ.

Bà Hai Rạng khoe: “Gia đình tôi duy trì ngày họp mặt như thế này hơn 10 năm rồi. Phần lớn con, cháu đều là công chức, viên chức của Nhà nước nên rất khó tụ họp đông đủ, do đó họp mặt trước tết là thuận lợi nhất. Còn 3 ngày tết, đứa nào không trực thì tiếp tục về”.

Ngày họp mặt, ngoài việc thăm hỏi công việc, sức khỏe, bà Hai Rạng còn khuyên con cháu phải làm việc hết sức mình cống hiến cho quê hương, đất nước. Ngồi chứng kiến, chúng tôi khá xúc động và thầm ngưỡng mộ bơi cuộc sống hối hả như bây giờ mà có một gia đình duy trì ngày họp mặt như thế chắc không nhiều, huống chi đã hơn 10 năm nay.

Đã 84 tuổi nhưng bà Hai Rạng còn khá khỏe, minh mẫn, không chỉ nhớ từng mặt con, cháu mà còn nhớ cả tên, nơi làm việc. Bà Hai Rạng có 11 người con, 4 người mất từ nhỏ; trong 7 người còn lại thì 3 người con và 1 con rể là đảng viên. Ngoài ra, bà còn khoảng 10 người cháu đang phục vụ trong ngành quân đội và công an.

Những năm chiến tranh, vùng đất này hứng chịu nhiều bom đạn, bộ đội về xã đóng quân rất đông, nhà vợ chồng bà Hai Rạng là chỗ dựa, là “lá chắn” để họ nương nhờ. Tuy không cầm súng đánh giặc nhưng vợ chồng bà có công rất lớn trong việc nuôi chứa bộ đội (từ năm 1971 đến ngày đất nước thống nhất). Thời đó, xã Lương Tâm nhiễm phèn nặng, làm lúa thất bát, để lo cuộc sống, ông bà làm đủ thứ nghề nhưng vẫn thiếu hụt. Song dù khó khan, vất vả đến mấy, vợ chồng bà cũng không để bộ đội thiếu ăn. “Hồi đó, ở đây nước không bị nhiễm phèn thì cũng mặn, do đó mỗi chuyến mua, bán lá dừa nước là vợ chồng tôi chèo đến tận cầu Nước Đục (thuộc huyện Vị Thủy bây giờ - PV) để múc một ghe nước ngọt về cho bộ đội xài. Mười bữa, nửa tháng thì vợ chồng tôi đi một chuyến”, bà Rạng nhớ lại.

Chỉ tay về địa điểm xây hầm bí mật phía sau nhà (nay đã san lấp), bà Hai Rạng cho hay: Nhiều khi bộ đội đang ở trong nhà thì có thông tin giặc đi càn, phải chạy xuống hầm ẩn náu. Lúc đó, hầm chứa trên 10 người. “Không ít lần vợ chồng tôi bị địch bắt giữ. Chúng đánh đập, dọa giết, bắt tôi khai nơi bộ đội đóng quân, nhưng dù chết tôi cũng không bao giờ bán đứng đồng chí, đồng đội mình”, bà Hai Rạng nhớ lại.

Trong 3 đứa con làm cách mạng thì có ông Phạm Văn Phá, người con thứ 5, tham gia cầm súng đánh Mỹ và làm nghĩa vụ trên nước bạn Campuchia.

Sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, ông Phá sớm giác ngộ lý tưởng Cộng sản. Năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Phá gia nhập quân ngũ (Trung đoàn 1, Quân khu 9), sau đó tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Đến năm 1981, ông bị thương và về quê sinh sống cho đến nay.

Trở về cuộc sống đời thường, dù mang thương tật nhưng ông luôn là tấm gương tiêu biểu để con cháu noi theo từ việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình đến tham gia các hoạt động vì an sinh xã hội. Chỉ tay về cây cầu bắc qua kênh số 1 trước nhà, ông Phá cho biết, cách đây khoảng 5 năm, cây cầu này bằng ván, nhưng hư hỏng nặng, đi lại khó khăn, thấy vậy ông bỏ tiền ra xây dựng lại cầu bằng bê tông trị giá khoảng 10 triệu đồng.

Ngoài ra, hàng năm ông còn tham gia giặm vá tuyến đường trước nhà, đóng góp “Quỹ vì người nghèo” ở địa phương… “Thời chiến thì cầm súng đánh giặc, còn thời bình thì mình phải làm việc gì đó có ích cho quê hương, đất nước. Đó cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân”, ông Phá nhấn mạnh.

Ngoài ông Phá, bà Hai Rạng còn 2 người con là Phạm Văn Xiêm và Phạm Văn Khoa cũng một lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Hiện ông Khoa là cán bộ Công an huyện Phụng Hiệp, còn ông Xiêm là cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ. Với hai ông, tuy lớn lên khi nước nhà đã độc lập nhưng luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi đất nước cần. Dù công việc khác nhau, nhưng cả hai luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, được đồng chí, đồng nghiệp yêu mến, kính trọng.

Hậu nhân tiếp bước

Tiếp bước truyền thống gia đình, nhiều người cháu của bà Hai Rạng cũng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, luôn phấn đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đại úy Phạm Dũng Phúc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh Hậu Giang 3, Trung đoàn Bộ binh 114, là một điển hình.

Đã nhiều năm, gia đình bà Hai Rạng vẫn duy trì họp mặt vào trước tết để thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống.

Với niềm tin, khát vọng và mong muốn cống hiến, phục vụ lâu dài trong quân đội nên khi trúng tuyển và chính thức là sĩ quan quân đội, anh tự giác học tập, rèn luyện.

Khi tỉnh Cần Thơ chia tách thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, anh Phúc được điều động về Tiểu đoàn Bộ binh Hậu Giang 3 với chức vụ tiểu đoàn phó rồi tiểu đoàn trưởng… Dù ở cương vị nào anh cũng luôn thể hiện tính gương mẫu, trách nhiệm, được lãnh đạo, đồng nghiệp, chiến sĩ yêu mến.

Một điểm khá đặc biệt đối với anh Phúc là biết vận dụng sáng tạo kiến thức, kinh nghiệm đã học vào thực tiễn công tác, góp phần đưa các hoạt động của đơn vị từng bước đi vào nề nếp, chất lượng. Bằng chứng là qua các lần huấn luyện chiến sĩ mới, dự bị động viên,… đơn vị của anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Khi nhận nhiệm vụ, ngoài việc thực hiện những quy định của đơn vị, tôi còn phân công cán bộ bám sát từng nội dung, từng kế hoạch. Dành nhiều thời gian cho phần thực hành; những cán bộ, chiến sĩ nào khá giỏi thì kèm cặp những người yếu hơn để cùng tiến bộ, từ đó chất lượng huấn luyện của đơn vị hàng năm luôn đạt kết quả cao”, anh Phúc nói.

Thượng tá Võ Văn Hiếu, Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 114, nhận xét: “Đồng chí Phúc có lối sống giản dị, chân tình, hòa đồng với đồng nghiệp trong đơn vị, là người có trách nhiệm với công việc. Do đó, mọi công việc được giao không chỉ cá nhân, mà đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là tấm gương đáng để nhiều chiến sĩ học hỏi”.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan, anh Phúc còn là người chồng, người cha gương mẫu, trách nhiệm. Khi về nhà anh dành nhieu thời gian phụ giúp vợ công việc, dạy dỗ việc học cho con. “Sau này, hai đứa con của tôi có làm công việc gì tôi cũng khuyên dạy luôn nỗ lực hết sức mình để góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp”, anh Phúc cho hay.

Trao đổi với gia đình bà Hai Rạng, chúng tôi cảm nhận một điều, dù các bác, các chú sinh ra và lớn lên trong thời chiến hay các anh, các chị lớn lên trong thời bình thì tất cả đều có điểm chung là nỗ lực hết mình vì quê hương. Bởi với họ: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Họ sống có lý tưởng, hoài bão và sống là phải cống hiến.

Ngồi viết bài này tôi nhớ rõ ánh mắt của bà Hai Rạng lúc kể chuyện khi vui, khi ngấn lệ, lúc trào dâng tự hào về gia đình, về các con, cháu. Tôi nhớ mãi câu nói của bà: “Còn sống ngày nào tôi sẽ dạy và khuyên con cháu phải cống hiến hết mình bằng trí lực, sức lực của mình cho quê hương, đất nước”.

Những năm đất nước còn ngập tràn bom đạn, sự sống và cái chết cận kề trong gang tấc, nhưng những chàng trai, cô gái của miền đất Hậu Giang vẫn sẵn sàng ra đi vì nghĩa lớn. Ngày hòa bình, những gia đình giàu truyền thống cách mạng ấy lại chung tay, góp sức cùng xã hội hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, giáo dục con cháu trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Gia đình ấy là “gia đình đỏ” giữa nôi cách mạng.

NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>