Bảo vệ trẻ em trước bệnh HIV

06/11/2020 | 09:57 GMT+7

Ông Võ Chí Đại (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, về công tác phòng, chống HIV/AIDS ở đối tượng trẻ em của tỉnh, cho biết: “Nhiều năm qua, tỉnh không có trường hợp trẻ sinh ra nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con, đây là tín hiệu vui cho thấy các hoạt động phòng, chống nhiễm HIV qua đường lây truyền này đã đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trẻ nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị và bảo vệ để các em có thể có cuộc sống bình thường như bao trẻ khác”.

Xin ông cho biết tình hình trẻ nhiễm HIV ở tỉnh hiện nay như thế nào ?

- Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay có 25 trẻ bị nhiễm HIV đang được quản lý, chăm sóc và điều trị bệnh. Những trẻ này bị nhiễm từ những năm 2005-2015, độ tuổi ở các trẻ nhiễm này từ 5-15 tuổi. Như vậy, có nghĩa là trong 5 năm gần đây trên địa bàn tỉnh không có trẻ bị nhiễm HIV mới. Đạt được kết quả này là do công tác dự phòng lây truyền từ mẹ sang con được duy trì thực hiện thường xuyên qua mạng lưới các trạm y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh. Công tác phát hiện, phản lý, chăm sóc điều trị cho các bà mẹ có thai bị nhiễm HIV trong thời gian qua được chú trọng và có sự quan tâm đặc biệt của cán bộ y tế làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Khi bà mẹ có thai bị nhiễm HIV được phát hiện, quản lý, chăm sóc, điều trị tốt thì khả năng lây truyền cho con khi sinh và sau sinh tỷ lệ rất thấp và những năm qua không có trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh từ mẹ nhiễm HIV ở tỉnh. 

Tết Trung thu cho trẻ em nhiễm HIV hàng năm do Chi cục Dân số tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hậu Giang) tổ chức.

Công tác điều trị HIV/AIDS cho trẻ nhiễm được duy trì và đạt hiệu quả như thế nào, thưa ông ?

- Hiện nay, công tác quản lý, chăm sóc, điều trị trẻ nhiễm HIV/AIDS được duy trì hàng tháng. Cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS kết nối rất tốt với các gia đình có trẻ nhiễm HIV để thực hiện công tác khám, cấp thuốc định kỳ hàng tháng. Đồng thời, nhắc nhở gia đình việc tuân thủ điều trị bằng cách cho trẻ uống thuốc ARV hàng ngày theo đúng giờ quy định, đưa trẻ đến khám đúng ngày, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khám phát hiện điều trị kịp thời các bệnh lý kèm theo, tiêm phòng đầy đủ các bệnh có vắc-xin bảo vệ. Trong 25 trẻ em nhiễm HIV đang được điều trị hiện tại sức khỏe tốt, không chuyển giai đoạn AIDS.

Ngoài điều trị cho trẻ nhiễm HIV/AIDS, hoạt động chăm lo về đời sống được quan tâm như thế nào, thưa ông ?

- Điểm đáng mừng là các em đều được tham gia học tập, hòa nhập cộng đồng, có những em là học sinh giỏi của lớp. Trong những năm qua ngoài việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV, đơn vị chúng tôi phối hợp với các đơn vị như: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, UBND huyện Châu Thành, các nhà mạnh thường quân, quỹ đóng góp của Chi bộ, của nhân viên, hàng năm tổ chức cho các em bị ảnh hưởng do HIV vui Tết Trung thu. Hoạt động này được duy trì từ năm 2017 đến nay. Mỗi năm số tiền chăm lo cho các em khoảng 40 triệu đồng, gồm: quà Trung thu, xe đạp, tập vở, dụng cụ học tập, học bổng… Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ tiền xe đi lại để khám điều trị cho những trẻ có hoàn cảnh là gia đình nghèo, khó khăn từ nguồn đóng góp của nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Có những đề xuất gì để trẻ nhiễm HIV được bảo vệ sức khỏe, chăm lo đời sống tốt hơn, thưa ông ?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác xét nghiệm HIV tự nguyện ở thai phụ và thực hiện tốt khâu điều trị dự phòng để duy trì thành quả hiện nay là không có trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ. Tiếp tục điều trị cho trẻ đã nhiễm HIV. Để công tác chăm sóc trẻ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được tốt, nhất là điều kiện cuộc sống, học tập cần có sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hơn nữa để trẻ nhiễm HIV có đời sống tốt hơn và không mặc cảm với bệnh của mình.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>