Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt

12/09/2022 | 08:50 GMT+7

Từ ngày 13 đến 16-9, ngành y tế sẽ triển khai tiêm bổ sung vắc-xin phòng bại liệt (IPV) cho trẻ trong độ tuổi có ngày sinh từ 1-3-2016 đến 28-2-2018, với trên 25.000 trẻ, nhằm tăng tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin phòng bệnh bại liệt trên địa bàn tỉnh, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 đến nay trong cả nước cũng như ở tỉnh nhà.

Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Đỗ Phát Hưng (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế, xoay quanh chiến dịch tiêm vắc-xin bổ sung này.

Bệnh bại liệt nguy hiểm như thế nào và lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bại liệt thời gian qua ra sao, thưa ông ?

- Bệnh bại liệt là một bệnh nhiễm vi-rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do vi-rút Polio gây nên, thường từ phân, miệng, có thể lây lan thành dịch. Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp. Từ sốt, buồn nôn, táo bón,… bệnh có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, mất nước, viêm phổi, teo cơ, tê liệt, cơ thể trở nên mệt mỏi và kiệt sức, khó thở,… liệt cơ hô hấp rồi tử vong.

Tiêm bổ sung vắc-xin phòng bại liệt nhằm bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 đến nay.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, cứ 1 trong 200 ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến tê liệt không hồi phục. Trong số những người bị tê liệt, 5% - 10% ca tử vong do cơ hô hấp ngừng hoạt động.

Nhờ triển khai uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc-xin ở mức cao trên 95%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế ở tỉnh. Chiến dịch tiêm vắc-xin bổ sung phòng bệnh bại liệt nhằm tăng tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin đảm bảo phòng bệnh hiệu quả nhất, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt thời gian qua.

Để đạt được mục tiêu đề ra tiêm cho trên 95% trong tổng số hơn 25.000 đối tượng tiêm, ngành đã đề ra những cách làm gì, thưa ông ?

- Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện phối hợp với ngành giáo dục rà soát lập danh sách và quản lý theo từng lớp (nhóm tuổi) đối với trẻ học tại trường. Trạm y tế phối hợp với địa phương lập danh sách đối với trẻ ngoài cộng đồng để tránh bỏ sót trẻ.

Từ ngày 13 đến 16-9 các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai tiêm vắc-xin IPV cho đối tượng đã được điều tra tại địa phương. Tổ chức triển khai dưới hình thức tiêm chủng bổ sung tại các điểm trường học và tiêm vét tại trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực xã, phường, thị trấn. Thực hiện rà soát và tiêm vét đối với những trẻ thuộc diện đối tượng đã được đăng ký hoặc chưa được đăng ký có mặt tại địa bàn ở thời điểm triển khai cần được tiêm vét ngay cuối đợt hoặc trong các buổi tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo không để bỏ sót đối tượng.

Ông có thể cho biết về tính an toàn của loại vắc-xin này và ngành y tế sẽ tổ chức tiêm chủng như thế nào để đảm bảo an toàn cao nhất, thưa ông ?

- Vắc-xin IPV sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, vắc-xin của hãng Sanofi, Pháp sản xuất, vắc-xin đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Cũng giống như các vắc-xin khác, sau khi tiêm vắc-xin có thể gặp phản ứng không mong muốn, các phản ứng thông thường tại chỗ tiêm như đau, quầng đỏ, phản ứng sốt vừa thoáng qua, phản ứng khác rất hiếm gặp.

Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá lo lắng vì đây đều là những phản ứng bình thường của cơ thể khi tiếp nhận vắc-xin. Tuỳ vào cơ địa của từng trẻ, có trẻ không sốt, có trẻ sốt sau vài ngày. Do đó phụ huynh cần thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt. Chúng tôi đã chỉ đạo các điểm tiêm tổ chức buổi tiêm chủng đúng quy định của Bộ Y tế. Bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng (nếu có), đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ.

Ông có lưu ý gì đối với phụ huynh khi đưa trẻ tiêm vắc-xin và theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm vắc-xin, thưa ông ?

- Theo Quyết định 2470/QĐ-BYT của Bộ Y tế, không tiêm vắc-xin bại liệt cho người có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, hoặc có thể tạm hoãn tiêm chủng nếu người được tiêm vắc-xin đang cảm thấy không khỏe. Phụ huynh cần phối hợp thông tin đầy đủ tình trạng sức khỏe của trẻ khi khám sàng lọc. Khuyến cáo gia đình, phụ huynh cho trẻ ăn, uống đầy đủ trước khi tham gia tiêm chủng vắc-xin.

Người được tiêm chủng phải được theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Trường hợp này người được tiêm chủng là trẻ em vì vậy ba mẹ, người thân nên theo dõi và chăm sóc trẻ, lưu ý các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm: Toàn trạng; tinh thần, tình trạng ăn, ngủ; dấu hiệu về nhịp thở; nhiệt độ, phát ban; các biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…). Trẻ em sau khi tiêm chủng cần cho trẻ uống nước nhiều hơn. Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>