“Học phí giáo dục phổ thông sẽ không tăng”

15/08/2022 | 07:22 GMT+7

(HG) - Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, vào cuối tuần qua. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo phải tiến tới lộ trình giảm, miễn học phí phù hợp cho giáo dục phổ thông. Đó là đối với phần học phí do gia đình phụ huynh đóng, còn riêng phần ngân sách, địa phương sẽ vẫn tính đúng, tính đủ để bảo đảm nguồn thu cho các trường hoạt động, phát triển chất lượng giáo dục.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang.

Chuẩn bị cho năm học mới, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phải đảm bảo đủ lớp, đủ trường, đủ giáo viên, có kế hoạch phân bổ và sử dụng nguồn biên chế giáo viên vừa được bổ sung cho các tỉnh phù hợp, chất lượng, đảm bảo có học sinh phải có giáo viên giảng dạy. Rất chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong năm học 2021-2022 của ngành giáo dục và đào tạo, tuy nhiên, ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn, nhìn nhận một cách thấu đáo, nghiêm túc những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục chất lượng. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch dạy bù kiến thức cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 một cách chi tiết, quan tâm nhất khối lớp 1, lớp 2. Tập trung giải pháp phát triển học sinh toàn diện về đức - trí - thể - mỹ; quyết liệt đổi mới giáo dục; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thống nhất trình Chính phủ việc sử dụng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn kịp thời triển khai từ năm học 2022-2023; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo để quản lý, nắm chắc thông tin về cơ sở vật chất, trường lớp, học sinh, đội ngũ nhà giáo; học sinh cần được học 2 buổi/ngày, giảm tình trạng tỷ lệ học sinh trên lớp đông hiện nay ở một số địa phương, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, gắn với tiêu chí thi đua thực chất, không chạy theo thành tích...

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp trong giáo dục là yêu cầu với ngành giáo dục và đào tạo.

Năm học 2021-2022, cả nước đã xây dựng kho học liệu, bài giảng điện tử phục vụ dạy và học trực tuyến và chuyển đổi số với hơn 41.670 bài giảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; 100% các tỉnh, thành duy trì tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục (cả nước có 25/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3) tăng hơn 5% so với năm học trước; nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 (giáo viên mầm non đạt chuẩn 91,7%, tiểu học 74,8%, THCS 86,1%, THPT 99,9%); phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026 (với 65.980 biên chế được bổ sung giai đoạn 2022-2026 cho các địa phương); cả nước có 459.100 phòng học, hơn 85% phòng lớp học được xây dựng kiên cố...

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>