Tiếp tục phối hợp chặt chẽ xây dựng luật về các nội dung liên quan đến công tác dân tộc

20/05/2022 | 08:45 GMT+7

Theo Thường trực Quốc hội, từ tháng 10-2021 đến nay, Hội đồng Dân tộc có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, đạt nhiều kết quả theo kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình tham mưu, xây dựng luật về các nội dung liên quan đến công tác dân tộc.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ

Đó là, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra 13 dự án luật, 1 pháp lệnh và 15 nghị quyết, đây là các nội dung có tác động lớn đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, luật hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần đưa pháp luật vào đời sống của đồng bào.

Hội đồng Dân tộc cũng xây dựng và ban hành Nghị quyết định hướng nội dung giám sát của Hội đồng Dân tộc khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; kế hoạch giám sát, khảo sát năm 2022; tham gia ý kiến dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

Đồng thời, cử đại diện tham gia các hoạt động của 2 Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và 2 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia xây dựng các báo cáo kết quả giám sát và làm việc tại một số địa phương. Tổ chức các đoàn đi một số địa phương vùng dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Nguyên đán và Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay; tham gia các Đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi chúc tết các địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần làm việc, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phát huy kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình tham mưu, xây dựng luật về các nội dung liên quan đến công tác dân tộc, nhất là những chính sách đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa

Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV sẽ khai khai mạc và xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các nội dung về vùng dân tộc thiểu số nên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu là thành viên Hội đồng Dân tộc tham dự cần quan tâm thảo luận một số vấn đề trọng tâm.

Về tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025) và năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu thủ tục đầu tư, phân bổ vốn thực hiện 3 Chương trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1-3-2022, nhưng đến ngày 19-4-2022, Chính phủ mới có Tờ trình, sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt bố trí kế hoạch vốn (sau gần 1,5 năm chưa được phân bổ). Do vậy, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự chậm trễ và trách nhiệm của các cơ quan để báo cáo Quốc hội. Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách… đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba quyết định lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2023 là ba Chương trình mục tiêu Quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, ngay sau khi Quốc hội thông qua, Hội đồng Dân tộc cần khẩn trương, phối hợp xây dựng Chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện đúng thời gian quy định của Quốc hội.

Về vấn đề thẩm tra, tham gia thẩm tra các dự án Luật phục vụ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ ba Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật; xác định vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc; bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng dân tộc và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và góp sức xây dựng, phát triển đất nước.

Về tình hình an ninh trật tự, công tác biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc với Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong những năm qua. Kết quả hoạt động phối hợp của các cơ quan góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa 4 cơ quan, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham mưu, xây dựng luật về các nội dung liên quan đến công tác dân tộc, nhất là những chính sách đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phối hợp giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

Song song đó là phát huy tất cả các lực lượng, các đơn vị đứng chân trên địa bàn, vận động quần chúng thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kiên quyết không để các thế lực thù địch lôi kéo, kích động hoặc lợi dụng đồng bào chống phá cách mạng; giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>