Tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Palestine

30/08/2018 | 07:55 GMT+7

Việc nỗ lực bình thường hóa quan hệ với các nước Arab và mở lại cửa khẩu trên bộ vào Gaza của Israel cho thấy tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Palestine.

Cửa khẩu Erez. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cho biết nước này đã mở lại cửa khẩu Erez vào Dải Gaza bắt đầu từ ngày 27-8, một tuần sau khi đóng cửa do làn sóng biểu tình, bạo lực tại khu vực này bùng phát. Lý giải cho động thái trên, Văn phòng của Bộ trưởng Lieberman, cho biết Erez là cửa khẩu duy nhất cho người dân Palestine qua lại ở phía Bắc Gaza. Mặt khác, tình hình biên giới “đã có chiều hướng yên bình “nên mở cửa khẩu trong thời điểm này là phù hợp”.

Trước đó, kể từ ngày 19-8, Israel đã cho đóng cửa cửa khẩu Erez sau khi xảy ra nhiều vụ biểu tình dẫn đến xô xát gây thương vong tại khu vực biên giới giữa Israel và Dải Gaza hiện do Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine kiểm soát. Theo đó, tuyến đường nối giữa Israel và Dải Gaza sẽ chỉ được sử dụng cho các trường hợp nhân đạo. Cửa khẩu Erez đã nằm dưới sự phong tỏa của Israel trong một thập kỷ qua và nước này thường xuyên cho đóng cửa tuyến đường bộ giữa hai bên trong những năm gần đây.

Hệ lụy của việc đóng cửa biên giới đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và đụng độ giữa người dân Palestine và quân đội Israel. Mới đây vào ngày 24-8, hàng trăm người Palestine ở Gaza đã tham gia vào cuộc biểu tình chống Israel lần thứ 22, được gọi là “Cuộc tuần hành sự trở về vĩ đại” ở gần biên giới với Israel. Nguồn tin từ Bộ Y tế Gaza cho biết, cuộc đụng độ giữa người biểu tình với binh sĩ Israel đã làm ít nhất 189 người Palestine bị thương. Trong đó, 116 người được các đội y tế điều trị tại chỗ và 73 người khác được đưa đến các bệnh viện trên toàn Gaza.  Theo Bộ Y tế Gaza, kể từ khi bắt đầu các cuộc tuần hành này vào ngày 30-3, đã có 171 người Palestine thiệt mạng và hơn 18.000 người bị thương do trúng đạn của binh sĩ Israel.

Căng thẳng và bạo lực đang leo thang kéo dài suốt nhiều tháng dọc biên giới giữa Israel và Dải Gaza với các cuộc biểu tình của người Palestine dọc biên giới từ cuối tháng 3 năm nay sau khi Mỹ chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, Ai Cập và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang nỗ lực làm trung gian hòa giải để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.

Trong một động thái liên quan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có nhận định lạc quan về một lộ trình hòa bình với người Palestine thông qua việc “bình thường hóa” quan hệ với các nước Arab. Ông Netanyahu cho biết: “Nhiều nước Arab giờ đây đã không còn coi Israel là kẻ thù, mà là một đồng minh không thể thiếu” trong việc kiềm chế Iran. Đồng thời ông Netanyahu bày tỏ tin tưởng rằng: “Nếu chúng tôi có hòa bình với thế giới Arab rộng lớn hơn, điều đó sẽ giúp chúng tôi có hòa bình với người Palestine”.

Ngoài ra, ông Netanyahu đang tích cực tìm kiếm sự ủng hộ trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi vấp phải nhiều chỉ trích từ các nước Tây Âu về chính sách của Tel Aviv tại các phần lãnh thổ Palestine mà Israel chiếm đóng trái phép.

Israel hiện đã ký hiệp định hòa bình với hai quốc gia Arab là Ai Cập và Jordan, trong khi nhiều nước khác nhấn mạnh một thỏa thuận với người Palestine là điều kiện tiên quyết có thể mở đường tới việc thiết lập quan hệ chính thức với Israel. Tại Israel, công dân Arab chiếm khoảng 17,5% trong tổng dân số hơn 8 triệu người và từ lâu đã phàn nàn việc bị phân biệt đối xử.

Theo một quan chức cấp cao trong đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, cho biết Ai Cập đã đưa ra những đề xuất mới để giúp Palestine hòa giải nội bộ. Lập trường của Cairo là cần hoàn thành công tác hòa giải nội bộ Palestine trước khi giải quyết hồ sơ về thỏa thuận ngừng bắn với Israel cũng như các dự án phát triển và cứu trợ tại Dải Gaza.

Mặc dù những động thái trên của Israel là tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước; nhưng về cơ bản đây chỉ mang tính tạm thời vì giữa quốc gia này với Palestine vẫn còn nhiều bất đồng về biên giới, lãnh thổ. Chỉ khi nào những vấn đề trên được giải quyết và cả hai bên đều thống nhất có tiếng nói chung thì hòa bình mới thật sự đến với Dải Gaza.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>