Ô nhiễm rác thải nhựa - Bài toán khó

24/04/2024 | 07:56 GMT+7

Rác thải nhựa ngày càng nhiều và trở nên nguy hiểm hơn đối với sự sống toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề hạn chế dùng nhựa đang là bài toán khó vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Thế giới hiện đang thải ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Ảnh: AFP/GETTY

Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), thế giới hiện đang thải ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, song chưa đến 10% trong số rác thải nhựa này được đem đi tái chế. Số lượng rác thải nhựa được đem đi tái chế quá ít trong khi số lượng nhựa được sản xuất ra và vứt bỏ không ngừng tăng theo thời gian, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe con người.

Bác cáo của UNEP công bố hồi tháng 3 vừa qua cho thấy, có khoảng 13.000 hóa chất có trong nhựa và 1/4 trong số đó được cho là có hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Bà Phaedra Pezzullo, Giáo sư đại học Colorado, Mỹ, nhận xét: “Theo ước tính, mỗi người chúng ta đang tiêu thụ khoảng một thẻ tín dụng nhựa mỗi tuần. Các nghiên cứu đã phát hiện ra nhựa, vi nhựa trong phổi của mọi người, nhau thai trong máu ở mọi nơi trên Trái đất. Nhựa hiện đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu và chúng ta cần một giải pháp ngoại giao mang tính toàn cầu để giải quyết vấn đề này”.

Liên minh châu Âu và hàng chục quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Canada và Kenya đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ với các điều khoản ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng các polyme nhựa nguyên chất có nguồn gốc từ hóa dầu và để loại bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa có vấn đề, chẳng hạn như PVC và những loại khác có chứa thành phần độc hại. Các nhà vận động môi trường và một số chính phủ thậm chí còn cho rằng, phải xóa bỏ ngành công nghiệp sản xuất nhựa.

Tuy nhiên, quan điểm này đang bị ngành công nghiệp nhựa cũng như các nhà xuất khẩu dầu và hóa dầu lớn trên thế giới, trong đó đi đầu là Saudi Arabia phản đối. Theo quan điểm này, việc sử dụng nhựa vẫn diễn ra, nhưng nên tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa.

Trước đó, Hội nghị ASEAN hồi tháng 10-2023 về chống ô nhiễm nhựa (ACCPP) nhằm thảo luận ảnh hưởng của rác thải nhựa lên các đại dương, cũng như tìm kiếm các mục tiêu, giải pháp, hành động chính sách để giải quyết thách thức này. Hội thảo cũng thúc đẩy việc xây dựng một Hiệp ước toàn cầu về giảm ô nhiễm nhựa. Hiệp ước được kỳ vọng sẽ đặt ra các nghĩa vụ có tính ràng buộc pháp lý giữa các quốc gia, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa biển.

Trước thềm cuộc đàm phán vòng đàm phán thứ tư của Liên Hiệp Quốc về ô nhiễm nhựa, một nhóm gồm 160 công ty tài chính đã kêu gọi các chính phủ đạt được nhất trí về một hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa nhằm giúp thúc đẩy hành động của khu vực tư nhân. Để giải quyết ô nhiễm nhựa, các công ty tài chính, trong đó có nhà đầu tư lớn nhất nước Anh Legal & General Investment Management và quỹ hưu trí lớn thứ hai ở Canada cũng đã kêu gọi đưa ra một khung chính sách được xây dựng với các quy tắc mang tính ràng buộc. Nhóm này cũng kêu gọi các công ty đánh giá và công bố những rủi ro và cơ hội liên quan đến sản xuất nhựa; các chính phủ ban hành những chính sách và đặt ra mục tiêu rõ ràng hơn trong các lĩnh vực như tái chế rác thải; và khuyến khích đầu tư tư nhân hướng tới việc chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Dự kiến, vòng đàm phán sẽ diễn ra trong 1 tuần từ ngày 23-4 đến 1-5, với mục tiêu hoàn tất hiệp ước để phê chuẩn vào tháng 12 tới tại thành phố Busan của Hàn Quốc. Nếu được thông qua, đây sẽ là thỏa thuận môi trường quan trọng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.

Giới quan sát lại cho rằng, cho dù thỏa thuận được thông qua thì việc triển khai đưa vào thực tiễn giảm dần rác thải nhựa vẫn còn là bài toán khó nếu không có sự đồng thuận của các quốc gia.

Cuộc đàm phán diễn ra ngay sau ngày Quốc tế Trái đất 2024, với chủ đề Trái đất và nhựa nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>