Nguy cơ bùng phát căng thẳng ở Venezuela

06/03/2019 | 08:19 GMT+7

Việc tổng thống tự xưng Venezuela Juan Guaido tuyên bố về nước đã dấy lên quan ngại gia tăng căng thẳng ở quốc gia này nhiều nguy cơ dẫn đến nội chiến. 

Tổng thống tự xưng Venezuela Juan Guaido. Ảnh: REUTERS

Nếu sự việc diễn ra, Venezuela chắc chắn sẽ rơi vào tình thế căng thẳng gia tăng. Bởi lẽ, phe đối lập đang trông chờ vị thủ lĩnh của mình trở về để lãnh đạo các cuộc biểu tình mới nhằm vào Tổng thống đương nhiệm nước này Nicolas Maduro.

Thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido được Mỹ hậu thuẫn tự phong là tổng thống lâm thời của quốc gia Nam Mỹ hồi tháng 1. Ông Guaido, cũng là người được hầu hết các nước phương Tây công nhận là người đứng đầu nhà nước hợp pháp của Venezuela, cho biết sẽ là một “thử thách lịch sử” khi trở về. Ông Guaido nêu rõ: “Nếu chính quyền dám bắt cóc chúng tôi, thì đó sẽ là sai lầm mới nhất mà họ tạo ra”. Ông Guaido cũng kêu gọi các cuộc biểu tình mới tiếp tục diễn ra tại Venezuela.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez cảnh báo thủ lĩnh đối lập nước này có thể sẽ bị bắt giam nếu trở về nước vì đã vi phạm lệnh cấm xuất cảnh của Venezuela. Trước đó, ông Guaido bị Tòa án Venezuela điều tra về cáo buộc “tiếm quyền hành pháp” và đã cấm xuất cảnh. Tuy nhiên, với việc vượt biên giới sang Colombia và sau đó đi thăm một số nước Mỹ Latinh vào tuần trước là một hành động phi pháp và sẽ phải chịu sự xử lý của pháp luật.

Những động thái liên quan trên có thể khiến tình hình Venezuela, được cho là hạ nhiệt mấy ngày qua, trở nên bùng phát căng thẳng, kéo theo sự can dự của quốc tế vào cuộc khủng hoảng.

Trong trường hợp nếu ông Juan Guaido bị bắt giữ khi trở về nước, chính quyền của Tổng thống Maduro sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng một số nước trong khu vực. Theo một quan chức EU, bất kỳ biện pháp nào có khả năng gây phương hại cho sự tự do, an toàn hay sự toàn vẹn cá nhân ông Juan Guaido đều sẽ khiến leo thang căng thẳng và vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Còn Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào ngăn cản thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido trở về nước an toàn sẽ đương đầu với “một sự đáp trả mạnh mẽ và đáng kể” từ Washington và cộng đồng quốc tế. Trong một động thái liên quan, chính quyền Mỹ vừa công bố lệnh trừng phạt với 6 thành viên cấp cao của lực lượng an ninh Venezuela, hủy bỏ visa của 49 quan chức và người thân của họ vì liên quan tới việc ngăn hàng cứu trợ. Những lệnh trừng phạt mới nhằm vào các thành viên cấp cao của lực lượng an ninh Venezuela nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko lại lên tiếng phản đối những tác động từ bên ngoài nhằm lật đổ chính phủ hợp hiến tại Venezuela, đồng thời khẳng định, Nga sẽ nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp quân sự tại quốc gia Nam Mỹ này. Nga cũng đang nỗ lực tận dụng mọi nguồn lực để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Venezuela. Các quan chức Nga cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Venezuela giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, bao gồm cả hỗ trợ nhân đạo hợp pháp. Ngoại trưởng Nga trước đó cũng khẳng định sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại song phương với Mỹ về vấn đề Venezuela.

Về phần mình, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thắt chặt quan hệ với các nước, trong đó có Nga, là một cách để đối phó với những hành động của Mỹ. Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez cho rằng: “Chúng tôi coi những biện pháp Mỹ đưa ra với Venezuela thời gian qua là một cơ hội lớn để trở nên độc lập. Đây cũng là cơ hội để Venezuela tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và đoàn kết với thế giới”.

Quốc tế đang tích cực tìm giải pháp chính trị cho quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, hiện nay cách tiếp cận với Venezuela hoàn toàn trái ngược nhau. Giải pháp hòa bình cho Venezuela muốn trở thành hiện thực khi các bên liên quan tìm được tiếng nói chung.

Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ ủng hộ ông Guaido, đã gửi “tối hậu thư” tới Tổng thống Maduro, yêu cầu tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn. Trong khi đó, các nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống hợp hiến Maduro.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>