Mỹ sẽ làm gì khi Triều Tiên có “tên lửa đạn đạo mạnh nhất” ?

30/11/2022 | 05:26 GMT+7

Thông tin Triều Tiên có “tên lửa đạn đạo mạnh nhất” đã làm cho Mỹ và đồng minh liên quan lo lắng.

Mới đây, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17. Đây là tên lửa được cho là mạnh nhất hiện nay, với tầm bắn có thể vượt qua Thái Bình Dương tấn công tới nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên cho biết, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 được phóng từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng và đã bay được gần 1.000km trong 4.135 giây ở độ cao hơn 6.000km và rơi xuống vùng biển quốc tế.

Lãnh đạo và sĩ quan Triều Tiên chụp ảnh bên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, vụ phóng đã tái khẳng định khả năng mạnh mẽ và đáng tin cậy của nước này trong đối phó với mọi mối đe dọa hạt nhân. Tuyên bố của ông Kim Jong-un vừa khẳng định lập trường không khuất phục của quốc gia này trước các đe dọa sức mạnh quân sự của các nước thù địch, đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ Bình Nhưỡng sẽ trả đũa tương xứng nếu bị xâm phạm chủ quyền.

Việc thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 của Triều Tiên đã làm các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước đồng minh liên quan lo ngại. Mỹ đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi Triều Tiên đạt được thành tựu vượt bậc trong phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Trong hơn 3 thập kỷ, Mỹ theo đuổi chiến lược cô lập Triều Tiên nhằm buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân cũng như chương trình tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược của Washington đã thất bại ở cả hai phương diện trên.

Hiện kho hạt nhân nhỏ của Triều Tiên ngày càng mở rộng đã khiến mục tiêu thứ nhất của Mỹ hoàn toàn lỗi thời. Số lượng các vụ thử tên lửa đạn đạo ngày càng tăng của Triều Tiên cũng cho thấy mục tiêu thứ 2 ngày càng không thích hợp. Thực tế, Triều Tiên đang nhanh chóng trở thành một quốc gia có năng lực vũ khí hạt nhân đầy đủ. Với đà hiện nay, Triều Tiên sẽ sớm tiến tới chỗ có năng lực phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân lên lãnh thổ của Mỹ trong tình huống nổ ra xung đột mất kiểm soát. Điều này đồng nghĩa với quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc sẽ thay đổi theo hướng nâng tầm vị thế của Triều Tiên.

Từ thực tế trên, giới quan sát nhận định Mỹ sẽ phải thay đổi chiến lược với Triều Tiên. Theo đó, Washington bắt buộc phải thực hiện đối thoại toàn diện với Bình Nhưỡng để bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Quá trình đó phải bao gồm một hiệp ước hòa bình (thay thế cho thỏa thuận đình chiến 1953), chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế nhằm vào Triều Tiên, và việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương chính thức.

Ngoài ra, Mỹ cũng phải chuyển đổi quan hệ an ninh với Hàn Quốc. Trong quá khứ, Mỹ xem Triều Tiên như đại diện của Liên Xô và Trung Quốc. Cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên do vậy mang tầm vóc lớn hơn là một cuộc chiến đơn thuần giữa 2 quốc gia nhỏ trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng nay tình thế đối đầu Chiến tranh Lạnh đó không còn nữa. Tầm quan trọng về kinh tế của Hàn Quốc đối với Mỹ đã gia tăng, nhưng tầm quan trọng về chiến lược của Hàn Quốc thì đã suy giảm.

Có ý kiến lại cho rằng, Mỹ có thể sẽ hỗ trợ Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân để làm đối trọng với Triều Tiên. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể làm đảo lộn chính sách của Mỹ đối với vũ khí hạt nhân trên thế giới, tạo ra các cuộc chạy đua hạt nhân khó kiểm soát. Điều này sẽ đi ngược lại với Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc nên ít có khả năng xảy ra.

Việc Triều Tiên có thêm bước tiến mới với công nghệ tên lửa đạn đạo đã đặt Mỹ vào một thế tiến thoái lưỡng nan trong chiến lược với Triều Tiên. Mỹ sẽ làm gì để đối phó với Triều Tiên vẫn còn là bài toán khó chưa có lời giải.

HN tổng hợp 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>