Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: Truy đến cùng việc thực hiện lời hứa

01/11/2018 | 16:45 GMT+7

Tiếp tục tinh thần tranh luận sôi nổi, truy trách nhiệm đến cùng, ngày 31-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn các thành viên Chính phủ về nhiều vấn đề nổi cộm trong việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước.

Nổi lên là các vấn đề: Nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử; giảm tình trạng “giải cứu” nông sản; chất lượng tố tụng; thực hiện chính sách người có công; giải ngân vốn ODA; các dự án BOT; quản lý Nhà nước trên môi trường internet; ô nhiễm môi trường; quản lý tài nguyên, đất đai… Phiên chất vấn do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và điều hành.

Lo ngại việc xây dựng Chính phủ điện tử chậm, chưa đồng bộ

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chính phủ điện tử (CPĐT). Theo đại biểu, thực tế tiến độ triển khai số hóa và xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) số chuyên ngành cũng như các CSDL dùng chung còn chậm, chưa đồng bộ. Mức độ chia sẻ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của CPĐT.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là xu hướng tất yếu của các quốc gia. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng CPĐT và đã đạt được một số kết quả, như: Đã ban hành được một số văn bản và giải pháp để phát triển CPĐT; xây dựng được CSDL quốc gia về quản lý doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội; đã cung cấp được một số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 như vấn đề đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, nước ta chưa đạt được một số kỳ vọng trong lĩnh vực này. Ví dụ, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế pháp lý về CPĐT. Cụ thể, cần quy định về chia sẻ, kết nối dữ liệu; vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, định danh cá nhân, lưu giữ hồ sơ điện tử. Đồng thời, cũng còn thiếu cơ chế tài chính, đầu tư nguồn lực cho dự án đặc thù về CNTT. Vấn đề quan trọng nhất là nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, thiếu khung tổng thể CPĐT. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã giao một số bộ, ngành liên quan chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp lý. Bên cạnh đó cần xây dựng được khung tổng thể về CPĐT; xây dựng nền tảng về CSDL quốc gia; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hạ tầng CNTT. Hiện, 33 địa phương đã có trung tâm hành chính công với số hồ sơ công bố cấp độ 3, cấp độ 4 rất nhiều, nhưng hồ sơ nền CPĐT lại rất ít. “Cần phải tiến hành đồng bộ ở tất cả các bộ, ngành, địa phương để thành công trong việc xây dựng CPĐT, nhưng trước mắt chúng ta phải thực hiện tốt các dịch vụ công”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Tìm thuốc trị bệnh “giải cứu” nông sản

Thực trạng phải “giải cứu” nông sản chưa chấm dứt khi nông dân làm ra sản phẩm nhưng không thể tiêu thụ một lần nữa được các ĐBQH đưa ra chất vấn. Trong đó, đại biểu nhấn mạnh việc xem xét lại lời hứa giải quyết vấn đề này của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường trong phiên chất vấn kỳ họp trước.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) nêu thực tế, diện tích cây ăn quả có múi hiện nay đạt quy mô hơn 90.000ha, cung vượt cầu rất xa. Điều này khiến ai cũng thấy được nguy cơ phải tiến hành "giải cứu" trong tương lai. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, vấn đề là quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, nên trong chừng mực nhất định, có những thời vụ, có những cây, có những vùng dư thừa. Cây ăn quả dự báo cả nước có 185.000ha, riêng Hà Tĩnh có 9.200ha, trong đó có 7.000ha cam và 220ha bưởi. Giải pháp trước mắt là làm theo bài học kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang. Bắc Giang có 30.000ha vải, nhưng nhờ tập trung xúc tiến đầu tư, tiêu thụ, đẩy mạnh vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa nên đã giải quyết được vấn đề. Về lâu dài, ngành cũng đang bàn với các địa phương tập trung chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu quả tươi. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào chế biến, nhưng gặp khó khăn do diện tích trồng cây ăn quả khá phân tán.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc thu hút vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp thời gian qua đạt kết quả tốt. Ba năm qua, Việt Nam huy động được gấp 3 lần số doanh nghiệp, gấp 3 lần số hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Riêng trong năm 2018, hơn 10.000 tỷ đồng của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, một nhà máy rau quả tại tỉnh Tây Ninh được đầu tư tới 1.800 tỷ đồng, một nhà máy chế biến thực phẩm thịt lợn đầu tư tới 1.200 tỷ đồng tại tỉnh Hà Nam. Sự đầu tư mạnh ấy góp phần đưa nông nghiệp từ tăng trưởng âm của năm 2016 đến tăng trưởng có khả năng đạt 3,65% trong năm 2018. Giá trị xuất khẩu năm 2018 đến hết tháng 10, dự báo sẽ đạt 40 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Cùng tham gia trả lời câu chất vấn của đại biểu Tô Thị Bích Châu đối với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về vấn đề chính sách đào tạo nghề, bảo vệ người lao động nông thôn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, chú trọng tăng cường, gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu, từ dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô, cơ cấu, chuyển mạnh sang đào tạo cho đầu ra, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ, đào tạo gắn với sử dụng một cách có hiệu quả, gắn với thị trường, bảo đảm có thị trường tiêu thụ bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng "giải cứu". Cùng với đó, phải tập trung đào tạo bài bản hơn, từng bước hình thành lực lượng lao động hiện đại, ngoài kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn, như: Kiến thức thị trường, kiến thức hội nhập, tác phong công nghiệp... “Trên cơ sở đó, tháng 12 này, Bộ NN&PTNT và Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề đào tạo nghề nông thôn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Chưa hài lòng với câu trả lời của hai bộ trưởng, đại biểu Tô Thị Bích Châu tranh luận với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hiện nay, ở nông thôn đa phần là người già, trẻ em, người trung niên. Với công nghệ ngày càng phát triển, việc thất nghiệp ngay tại mảnh đất của mình vẫn xảy ra hằng ngày. Do vậy, cần có giải pháp thật sự đột phá để tạo được công ăn việc làm cho người lao động, cho người nông dân ngay tại mảnh đất của mình. Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng không cho rằng lĩnh vực nông nghiệp hiện nay đã tạo được sự lan tỏa, hấp dẫn với nhà đầu tư, do lợi tức từ nông nghiệp hiện vẫn thấp hơn các ngành khác.

Nếu phát hiện bản án sai thì dứt khoát sửa sai

Ngày 31-10 ghi nhận rất nhiều ý kiến của ĐBQH về công tác của các cơ quan tham gia quá trình tố tụng. Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (đoàn Thanh Hóa) về giải pháp giảm tồn đọng án hành chính, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tỷ lệ giải quyết án hành chính rất thấp, chỉ đạt 39% trong khi yêu cầu của Quốc hội là 60%. Nguyên nhân chủ yếu là các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính thường không có mặt nên phải hoãn phiên tòa. Ngành tòa án đã có giải pháp khắc phục trong ngành, như: Sắp xếp lại tòa chuyên trách; tăng cường cán bộ có năng lực cho các tòa hành chính; đề cao trách nhiệm của thẩm phán; tăng cường tổng kết xét xử để đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn áp dụng... Về phía các cơ quan khác, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cung cấp đầy đủ tài liệu cho người dân để bảo đảm quyền khởi kiện của người dân; tham gia các phiên đối thoại để giải quyết các tranh chấp hành chính; có mặt tại phiên tòa đúng thành phần, đúng đối tượng và đúng yêu cầu của luật pháp; thi hành nghiêm túc bản án đã có hiệu lực thi hành.

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, năm 2018, số lượng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm tăng rất nhiều, khoảng 2.200 đơn và đã giải quyết được 1.200 đơn. Tỷ lệ giải quyết như vậy là rất cao, bởi nhiều nước trên thế giới chỉ cho phép Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao xét xử không quá 150 vụ giám đốc thẩm, tái thẩm mỗi năm. Kết quả giải quyết cho thấy, nhiều năm qua, việc xét xử của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao rất công tâm, chính xác và không có khiếu kiện phát sinh.

Không nhất trí với Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa) tranh luận, chất lượng xét xử của Việt Nam khác với các nước nên so sánh là chưa thỏa đáng. “Phía sau mỗi lá đơn là số phận của một con người và là số phận của một dòng họ, không đơn giản chúng ta giải quyết được một nửa là tốt lắm rồi”, đại biểu nói.

Đồng tình với đại biểu Phạm Trí Thức, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nếu có bản án sai thì dứt khoát phải kháng nghị và sửa sai. Việc tòa án giải quyết 1.200 đơn giám đốc thẩm, tái thẩm không có nghĩa là dừng lại, không giải quyết nữa.

Sẽ rà soát tổng thể chính sách người có công

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An) nhắc lại lời hứa của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về việc sẽ xem xét nâng mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ thay thế cho mức 500.000 đồng/năm. Theo Nghị định số 99/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 12-9-2018, các đối tượng người có công (NCC) hầu hết đều đã được tăng mức phụ cấp, nhưng riêng chế độ thờ cúng liệt sĩ vẫn giữ nguyên mức 500.000 đồng/năm. Trong khi đó, đa số liệt sĩ không còn người thân thuộc diện được hưởng tiền tuất hằng tháng. Người thờ cúng không phải là vợ con, bố mẹ, không được hưởng tiền tuất nên mức trợ cấp 500.000 đồng/năm là chưa thỏa đáng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội, đồng thời thông tin thêm, Bộ LĐ-TB&XH đang cùng các địa phương tiến hành tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh NCC và sẽ trình Chính phủ dự án sửa đổi, bổ sung pháp lệnh. Bộ sẽ đề nghị rà soát lại tổng thể chính sách với cả 13 đối tượng NCC. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất chính sách hợp lý nhất, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.

Ngày 1-11, Quốc hội tiến hành ngày chất vấn cuối cùng tại Kỳ họp thứ sáu. Dự kiến, cuối buổi chiều 1-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn.

Theo MINH THẮNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>