Tấm lòng với Bác Hồ của Thiếu tướng về hưu

10/08/2016 | 08:32 GMT+7

Về hưu, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, lập bàn thờ Bác Hồ trang trọng tại nhà. Ông bảo, đó là tình cảm của ông dành cho Bác kính yêu và cũng là bàn thờ để tưởng nhớ hàng ngàn đồng đội đã ngã xuống để giữ mãi màu xanh cho quê hương.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn bên bàn thờ Bác Hồ tại gia đình.

Bàn thờ Bác trang nghiêm tại gia đình

Ngày xưa, khi hiến đất để xây nơi làm việc cho Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô, ông đã lập bàn thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại đó. Rồi khi căn nhà mới ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành được cất lên, ông lập một bàn thờ Bác Hồ trang trọng ngay phòng khách trong nhà, rất chỉn chu, đẹp không thua kém bàn thờ Bác được xây dựng tại phòng truyền thống ở các sở, ban, ngành hoặc các địa phương. Trên bàn thờ, tượng chân dung Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, đã thể hiện niềm tin của ông với Đảng, với Bác, một sự trung thành của người đảng viên 55 tuổi Đảng. Mỗi ngày, ông lại dọn dẹp, lau chùi, trang trí từng chi tiết nhỏ cho thật trang nghiêm. “Lập bàn thờ Bác là tâm niệm, là tình cảm của tôi dành cho Bác kính yêu, cũng là cách để giáo dục con cháu trong gia đình sống sao cho hợp đạo lý, vẹn tình, trọn nghĩa”, ông Ba Ngay chia sẻ.

Ông bảo, chuyện lập bàn thờ Bác không phải là việc làm mới của ông. Ông Ba Ngay nhớ lại chuyện cách nay 47 năm, vào ngày Bác mất, khi nghe tin, đồng đội cùng nhau lập bàn thờ Bác giữa rừng kính viếng. Khi đó, Tiểu đoàn Tây Đô đóng quân trong rừng sâu. Ngoài tấm ảnh Bác Hồ in lụa có ở Sở Chỉ huy, ở các đơn vị khác đều không có ảnh chân dung của Bác. “Có một kỷ niệm tôi nhớ hoài, khi đó một hộ gia đình đã mang tờ giấy bạc 50 đồng có in hình Bác, lộng vào khung để thờ. Tấm giấy bạc được gia đình kia cất giấu kỹ lắm, để trong cái ống tre nhỏ treo áp sát mái nhà, vì tình yêu kính Bác, họ đã nhường tờ giấy bạc để mọi người cùng được kính viếng Bác trong những ngày bom vang, đạn dội”, ông Ba Ngay bồi hồi kể. Nhìn ảnh chân dung đặc biệt đó, ai cũng khóc và mọi người lại mạnh mẽ quyết tâm chiến đấu, thực hiện lời Bác ghi trong Di chúc lịch sử: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Người nặng nợ với đồng đội

Ông từng là Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Tây Đô 1 và hiện là Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô. Gần 80 tuổi, ông vẫn nặng nợ với đồng đội, gần 1.000 căn nhà đồng đội được cất lên là tấm lòng của ông và rất nhiều người dành cho những chiến sĩ của Tiểu đoàn Tây Đô năm xưa. Đồng đội xưa có người giờ ở rất xa, đi cả ngày chưa tới nhà, nhưng ông vẫn không quản ngại đường sá xa xôi, cứ theo những chuyến đi khắp nơi giúp sức cho đồng đội, khi ở Hậu Giang, lúc ở An Giang, Bạc Liêu, Long An… Ban đầu, mỗi căn 10 triệu đồng, rồi lên 20 triệu đồng, 40 triệu đồng… Mái đầu ông thêm sợi bạc, gương mặt thêm nếp nhăn, cũng là lúc nhiều căn nhà đồng đội được cất và bàn giao. Đồng đội cần là ông có mặt, khi đồng đội khó, ông cũng cố gắng có ở bên. Ông bảo đời người ngắn ngủi, nhưng cái tình, cái nghĩa mới dài. Vị thiếu tướng về hưu vẫn miệt mài đi vận động để có tiền tiếp tục xây nhà cho đồng đội và ông mừng vì được nhiều người cùng chung tay cất lên những căn nhà nghĩa tình.

Nhìn ông Ba Ngay, ai cũng cảm nhận được sự giản dị, thân tình, chiếc áo lính bạc màu luôn được ông mặc hàng ngày. Thời gian ông dành để chăm nom vườn tược, nhiều hơn thời gian ông ở trong nhà. “Chiến tranh, loạn lạc, khi đi không hẹn ngày về, anh em ngày xưa ngoài chiến trường mỗi người một nơi, một đứa một quê, nhưng thương yêu nhau chẳng khác người nhà. Giờ hòa bình rồi, ráng giúp nhau mà sống tốt. Chiến tranh ai cũng biết, nhưng hòa bình, độc lập có những đồng chí chẳng được hưởng mấy ngày, sức trẻ các anh, các chị đã cống hiến cho quê hương đất nước hết rồi. Bởi vậy, tôi và đồng đội còn ở lại sau cuộc chiến, phải làm thay trách nhiệm cho những người đã ra đi…”, ông Ba Ngay nói.

Tuổi đã cao, sức khỏe không được như xưa, nhưng hễ nghe tin đồng đội còn khó khăn là ông trăn trở, lại cố gắng tìm cách giúp đỡ. Nhiều đồng đội bảo rằng, ông Ba Ngay sống cho cái tình, cái nghĩa nhiều hơn là sống cho mình.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>