Kỹ lưỡng lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học sau

10/03/2020 | 05:31 GMT+7

Các trường tiểu học của tỉnh đã tập trung trao đổi, nghiên cứu để lựa chọn bộ sách phù hợp trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ được chính thức áp dụng đối với lớp 1 từ năm học sau, theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 1 (huyện Long Mỹ), nghiên cứu các bộ sách giáo khoa lớp 1 được dùng cho năm học 2020-2021.

Nghiên cứu kỹ, cẩn trọng trước khi chọn sách

Cô Lê Thị Kim Hường, khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 1, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Để chọn được bộ sách tốt cho học sinh trường mình, giáo viên chúng tôi phải đọc hết cả 5 bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, chọn để thực hiện cho chương trình năm học tới. Không chỉ đọc kỹ, mà còn suy ngẫm, dựa vào các tiêu chí xem có phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường như: cấu trúc của sách, cách bố trí câu từ, màu sắc, tranh ảnh minh họa… Đây là một lựa chọn rất cần sự cẩn trọng và kỹ lưỡng”.

Tại Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 1, trong thời gian học sinh tạm nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, nhà trường đã tập trung vào họp và thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm các thầy cô là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ khối, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn và nghiên cứu các bộ sách giáo khoa lớp 1 được dùng cho năm học 2020-2021. Ông Trần Văn Chum, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 1, cho biết: “Thời gian qua, nhà trường đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ bản phòng lớp đáp ứng tốt nhu cầu học 2 buổi/ngày của học sinh. Trường đã chọn, cử giáo viên cốt cán đi tham gia các lớp bồi dưỡng để đáp ứng cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng vào năm học 2020-2021, dành cho học sinh khối lớp 1. Hiện tại, các giáo viên trường đã tham khảo hết 5 bộ sách giáo khoa. Chúng tôi cũng thấy có một hoặc hai bộ sách sẽ chọn được, vì khá hay và phù hợp với điều kiện giảng dạy của nhà trường”.

Theo một số trường, sẽ chọn các bộ sách có mức độ tiếp cận kiến thức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu của chương trình, vừa phù hợp với sức học của đại đa số học sinh ở tất cả các vùng miền, đảm bảo sự thân thiện, gần gũi với mọi học sinh, giáo viên. 

Chọn sách phù hợp theo tình hình thực tế của đơn vị

Chia sẻ về việc lựa chọn sách giáo khoa như thế nào là phù hợp, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ủng hộ việc chọn sách giáo khoa dựa trên tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, việc lựa chọn sách giáo khoa phải tuân thủ quy định là đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Ông Trần Thanh Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Nhà trường đã tiến hành cho giáo viên đọc kỹ các bộ sách giáo khoa. Chúng tôi chia sẻ các đường link online về các bộ sách giáo khoa lớp 1 đến giáo viên trường. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trong quá trình lựa chọn cần lưu ý đến độ phù hợp, hình ảnh, tranh vẽ, các ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh”.

Còn ông Nguyễn Thiện Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Mỹ, cho biết: “Trên địa bàn huyện có 20 trường tiểu học, đến thời điểm này, chúng tôi đã tổ chức họp để xây dựng các tiêu chí và hướng dẫn cách chọn sách phù hợp cho các trường. Chúng tôi thành lập chung một Hội đồng xét chọn các bộ sách giáo khoa cho các trường. Phòng sẽ tham khảo ý kiến của giáo viên, dựa trên khảo sát, dự kiến sẽ chọn chung 1 bộ sách giáo khoa dùng chung cho tất cả các trường tiểu học trong huyện”.

Để hỗ trợ nhà trường, giáo viên bộ môn trong việc tìm hiểu kỹ những điểm mới, hiệu quả, phù hợp theo phương pháp dạy học hiện đại hiện nay của các bộ sách giáo khoa, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 2 hội nghị giới thiệu 5 bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt sử dụng cho Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2020-2021, là các bộ sách: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” (4 bộ này đều của Nhà xuất bản Giáo dục biên soạn) và bộ sách Cánh diều (của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm - thuộc Trường Đại học sư phạm Hà Nội tổ chức biên soạn), để các phòng giáo dục và đào tạo, các trường nghiên cứu lựa chọn.

Ông Bùi Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới về cơ bản là kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành và phát triển theo hướng mở hơn, lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát triển năng lực và phẩm chất toàn diện cho các em. Điều quan trọng là giáo viên phải nhận thức được tầm quan trọng và nắm được những đổi mới của chương trình Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Từ đó, giáo viên sẽ có cái nhìn đúng để không ngại khó, không ngại thay đổi; tích cực áp dụng phương pháp dạy học mới, tư duy mới, cách làm mới khoa học hơn… Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND ban hành tiêu chí chọn sách giáo khoa cho toàn tỉnh. Dự kiến sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức thêm 1 hội thảo để giới thiệu các quyển sách về kỹ năng để thầy cô nắm rõ hơn”.

Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 được chính thức áp dụng đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Như vậy, học sinh lớp 1 sẽ là khóa đầu tiên được áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới này.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>