Venezuela khủng hoảng toàn diện

21/12/2016 | 07:45 GMT+7

Khủng hoảng kinh tế kéo dài, đồng tiền mất giá đã làm cho đời sống người dân Venezuela lâm vào cảnh khốn khó. Hậu quả của những biến động này đã làm cho tình hình an ninh trật tự Venezuela càng thêm rối ren.

Lực lượng vệ binh quốc gia Venezuela xung đột với người biểu tình ở La Fria, Venezuela ngày 17-12-2016. Ảnh: Reuters

Lực lượng an ninh Venezuela cho biết, họ vừa bắt hơn 300 người trong các cuộc biểu tình và cướp bóc xảy ra mới đây sau quyết định dừng lưu thông đồng tiền mệnh giá lớn nhất nước này. Thống đốc bang Bolivar cho biết cụ thể tại đây đã bắt giữ 262 trường hợp liên quan tới các vụ cướp bóc ở cửa hàng lương thực và các phòng thí nghiệm khoa học. Một nhóm doanh nghiệp địa phương cũng cho hay, 350 doanh nghiệp đã bị cướp phá ở Ciudad Bolivar, trong đó 90% là các doanh nghiệp cung cấp lương thực. Trước đó, ông Maduro tuyên bố, đồng 100 Bolivar sẽ được rút khỏi lưu thông từ ngày thứ tư tuần này và người dân sẽ có 10 ngày để đổi tiền tại Ngân hàng Trung ương. Việc đổi tiền là nhằm chống lại tình trạng buôn lậu tờ 100 Bolivar tại biên giới nước này với Colombia. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Venezuela, trong tháng 11, có hơn 6 tỉ đồng Bolivar trong lưu thông ở Venezuela, chiếm 48% tổng số tiền giấy và tiền xu trong lưu thông ở nước này. Tuy nhiên, sau đó ông Maduro đã quyết định kéo giãn việc đổi tiền này sang đầu năm 2017. Theo kế hoạch, trong tuần này cơ quan chức năng Venezuela sẽ bắt đầu đưa 6 mẫu tiền giấy và 3 mẫu tiền xu mới vào lưu thông, trong đó đồng lớn nhất có mệnh giá 20.000 Bolivar, tương đương chưa đầy 5 USD theo tỉ giá “chợ đen”.

Chính đồng tiền mất giá, người dân thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng nên nạn trộm cướp diễn ra khắp nơi. Mới đây, tại thị trấn miền Nam El Callao, một cậu bé 14 tuổi đã bị bắn chết trong lúc xông vào cướp của. Trước đó, nhiều ngư dân đã bị cướp biển trói và ném xuống biển. Ông Jose Antonio Garcia, lãnh đạo của công đoàn lớn nhất Venezuela, cho biết: “Những cướp biển này cũng chính là ngư dân nhưng không thể kiếm sống bằng nghề đánh cá nữa, vì vậy họ đang sử dụng tàu thuyền để kiếm tiền theo cách khác như: buôn lậu xăng, ma túy và làm cướp biển. Đối tượng họ cướp bóc cũng chính là những bạn bè, đồng nghiệp của họ. Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ ở Venezuela đã biến ngư dân hiền lành thành những tên cướp biển, sẵn sàng tàn sát những người bạn để cướp của sinh sống”.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng cả kinh tế, chính trị ở Venezuela thời gian qua đã đẩy phần lớn người dân nước này rơi vào cảnh không có tiền chi trả cho lương thực, khí đốt và cũng không thể chuẩn bị gì cho Lễ Giáng sinh đang cận kề. Khoảng 40% người dân Venezueal không có tài khoản ngân hàng, do đó họ không thể sử dụng các giao dịch điện tử để thay thế cho tiền mặt

Giới chuyên gia dự báo kinh tế nhận định, Venezuela đang bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vòng 3 năm qua. Theo đó, dự báo tỷ lệ lạm phát của Venezuela trong năm nay vào khoảng 511% và tỷ lệ này năm 2017 là 850%. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela suy giảm tới 20,4% và thu nhập bình quân đầu người giảm 56,8%. Dự báo tỷ lệ lạm phát của Venezuela trong năm nay vào khoảng 511%. Giá dầu mỏ liên tục sụt giảm đã làm cho kinh tế quốc gia này bị khủng hoảng trầm trọng. Dự báo dầu mỏ vẫn là vấn đề đáng bận tâm nhất đối với Chính phủ Venezuela không chỉ trong năm nay mà sẽ tiếp diễn trong năm 2017. Sản lượng dầu của Venezuela đã giảm trung bình 257.000 thùng/ngày so với năm 2015. Mặc dù Venezuela đã gia hạn thành công khoản nợ trị giá 2,799 tỉ USD hết hạn vào năm 2017 đến năm 2020, nhưng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) đang đối diện rất nhiều khó khăn về tài chính liên quan đến khoản nợ phải thanh toán trong năm tới.

Giới phân tích cho rằng, hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến đời sống của đại bộ phận người dân Venezuela lâm vào cảnh khốn khó. Từ đó kéo theo cuộc khủng hoảng chính trị ngày một nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự ở quốc gia này ngày một rối ren. Dự đoán năm 2017, Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro phải đối mặt với các đòi hỏi về thay đổi cả chính trị lẫn phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>