Không chỉ là chuyện nội bộ của Italia

06/12/2016 | 07:52 GMT+7

Cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp đã bắt đầu ở Italia vào ngày 4-12. Hơn 50 triệu cử tri Italia sẽ quyết định “có” hoặc “không” đối với việc xây dựng lại Hiến pháp. Đây được coi là một thời điểm mang tính bước ngoặt đối với tương lai của Italia và châu Âu.

Thủ tướng Italia Renzi và Phu nhân tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: AP

Theo đề xuất cải cách của Chính phủ Thủ tướng Matteo Renzi, hệ thống lưỡng viện sẽ được cải tổ, nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc trong quá trình lập pháp. Kể từ sau Thế chiến II, do cơ chế nhị viện này (cả Thượng viện và Hạ viện Italia có quyền lực ngang bằng nhau và đều chịu trách nhiệm thông qua các dự luật) mà Italia luôn là một trong những nước thay đổi chính phủ nhiều nhất. Tổng cộng đã có 62 chính phủ và 25 đời Thủ tướng lãnh đạo Italia, trung bình mỗi chính phủ chỉ tại vị được 361 ngày.

Vì lý do này nên ngay khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân để cải cách Hiến pháp theo hướng giảm bớt quy mô và quyền lực của Thượng viện (từ 315 thượng nghị sĩ xuống còn 100 thượng nghị sĩ), chấm dứt tình trạng bế tắc thường hay xảy ra trong quá trình lập pháp.

Thế nhưng, bản thân ông Matteo Renzi cũng không lường trước những khó khăn. Hồi đầu năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, Thủ tướng Renzi sẽ thành công vì tại thời điểm đó, ông vẫn được coi là nhà cải cách đầy quyền lực. Nhưng tỷ lệ ủng hộ ông đã bị sụt giảm. Ngay nội bộ Đảng Dân chủ (PD) của ông cũng đang bị chia rẽ sâu sắc trước thềm cuộc bỏ phiếu. Vì thế, giới quan sát nhận định, việc sửa đổi Hiến pháp được xem là canh bạc mạo hiểm của vị Thủ tướng 41 tuổi này.

Sẽ có 2 kịch bản xảy ra. Nếu Thủ tướng Renzi giành thắng lợi, vị thế của ông ở Italia và trên chính trường châu Âu sẽ được củng cố. Hoạt động của các cơ quan chính phủ từ trung ương đến địa phương sẽ trở nên hiệu quả hơn. Tiến trình lập pháp sẽ không còn bị kéo dài. Bên cạnh đó, các chương trình cải cách kinh tế sẽ tiếp tục được tiến hành và đây là yếu tố cốt lõi nhằm tái cơ cấu nền kinh tế đang trì trệ của nước này. Nhưng nếu thất bại, ông Renzi có thể sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella và nguy cơ bất ổn chính trị sẽ xảy ra.

Cuộc trưng cầu ý dân ở Italia không chỉ là chuyện nội bộ của nước này mà nó sẽ có tác động lớn đến châu Âu. Sau cơn chấn động Brexit (Anh ra khỏi Liên minh châu Âu), tỉ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, cuộc trưng cầu ý dân ở Italia sẽ là cú sốc lớn đối với châu Âu nếu như cử tri nước này nói “không” với cải cách hiến pháp. Trước hết, Italia là nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), là mắt xích quan trọng của tăng trưởng châu Âu. Nếu Italia rơi vào bất ổn, điều này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế toàn khu vực.

Ngoài ra, nếu thất bại, ông Renzi, một Thủ tướng thân châu Âu, sẽ phải từ chức như cam kết và Italia sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn một năm. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội cho đảng cực hữu “Phong trào Năm sao” có quan điểm hoài nghi châu Âu vào chính trường, tạo đà cho sự trỗi dậy của các phe phái dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở Italia cũng như khắp châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh các nước như Hà Lan, Pháp và Đức sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng tới.

Italia đang gánh một khoản nợ công khổng lồ lên tới 132% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên hiện ở mức gần 40%. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Italia hiện là 360 tỉ euro, chiếm khoảng 1/3 tổng nợ xấu của các ngân hàng thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone). Vì vậy, bất cứ kết quả trưng cầu ý dân nào gây bất ổn định cho nền chính trị Italia cũng đều dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên thị trường tài chính vốn đã bất ổn của nước này. Các nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi Italia và sự rối loạn trong các ngân hàng ở nước này sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng với quy mô lớn hơn ở Eurozone.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại 46.454 trên tổng số 61.551 điểm bỏ phiếu ở Italia, cập nhật sáng 5-12, cho thấy có tới 59,43% cử tri bỏ phiếu phản đối cải cách Hiến pháp, trong khi chỉ có 40,57% bỏ phiếu ủng hộ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Rome, Thủ tướng Renzi cho biết, ông sẽ thông báo việc từ chức trong cuộc họp nội các vào chiều 5-12 và tiếp đó sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>