Đoàn kết - Lời giải cho bài toán khó người di cư vào EU

03/03/2016 | 07:52 GMT+7

Mặc dù đã có nhiều giải pháp để giải quyết làn sóng người di cư tị nạn vào châu Âu nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có bởi vấn nạn này. Cách duy nhất để EU giảm áp lực từ cuộc khủng hoảng và cải tổ để mạnh lên là phải đoàn kết với nhau.

Dòng người tị nạn Syria đổ ra khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để chờ được sang châu Âu. Ảnh: REUTERS

Con số kỷ lục người tị nạn từ các quốc gia Đông Âu và Bắc Phi nhập cư vào châu Âu đã hơn 1,1 triệu người trong năm 2015. Trong đó, Đức đã phải tiếp nhận hơn 1 triệu người, phần còn lại là các quốc gia lân cận. Những tháng đầu năm 2016, con số này tiếp tục tăng dần theo thời gian. Hiện tại, số người tị nạn đã quá tải so với một số quốc gia. Cụ thể, Lebanon hiện có 1,5 triệu người tị nạn Syria trong khi dân số nước này chỉ có 5 triệu người. Thổ Nhĩ Kỳ, với dân số 70 triệu người, cũng đã tiếp nhận hơn 2,5 triệu người tị nạn. Đặc biệt Hy Lạp, hiện có hơn 20.000 người tị nạn và di cư đang bị dồn ứ chờ chuyển tiếp tới các quốc gia lân cận của EU. Làn sóng người di cư tiếp tục gia tăng khi các quốc gia lân cận áp dụng nhiều giải pháp để ngăn chặn ngay tại biên giới. Giới chức Hy Lạp nhận định, có khoảng 70.000 người di cư và tị nạn sẽ bị mắc kẹt tại quốc gia này trong tháng tới khi một số nước khu vực Balkan đưa ra quyết định đóng cửa biên giới với Hy Lạp. Chính sự khủng hoảng người di cư hiện nay mà một số quốc gia có vị trí cửa ngõ vào châu Âu, như: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Lebanon… rất cần được cấp thêm ngân sách đầu tư để có thể đáp ứng đủ nhu cầu cứu trợ cho người di cư tị nạn. Tuy nhiên, việc này không thể một quốc gia làm nổi mà đòi hỏi cả cộng đồng EU vào cuộc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây tái khẳng định: “Nếu một lục địa lớn như châu Âu với 500 triệu dân có thể tạm thời tiếp nhận 1 triệu người di cư thì tôi nghĩ đó không phải là sự đòi hỏi quá đáng đối với một khu vực láng giềng. Tôi tin rằng trách nhiệm của châu Âu trong giai đoạn như thế này là phải đóng góp để cùng giải quyết vấn đề chung về người tị nạn”. Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn nhất của EU đã đưa ra cảnh báo: 28 quốc gia thành viên trong khối EU hoặc cùng tiến tới một kế hoạch chung để giải quyết cuộc khủng hoảng trong vòng 2 tháng, hoặc có nguy cơ hỗn loạn. Điều này cũng đồng nghĩa với nếu không đoàn kết hợp sức giải quyết thì nguy cơ dẫn đến khối EU sẽ tan rã là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ hiện nay, các nước châu Âu đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm nhằm đối phó với dòng người di cư lớn nhất kể từ thế chiến thứ 2 đang đổ về châu lục này mà chưa có một thỏa thuận chung.

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu là vấn đề toàn cầu và những gì Jordani, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gánh chịu là không thể tin được.

Giới quan sát nhận định nếu không kịp thời giải quyết khủng hoảng người di cư tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia liên quan thì Hiệp ước Schengen (cho phép đi lại tự do trong khối) có thể sẽ sụp đổ. Bởi lẽ, đi cùng với việc áp dụng kiểm soát chặt chẽ biên giới bên ngoài đối với tất cả những người nhập cảnh vào EU thì công dân châu Âu cũng sẽ bị kiểm tra đồng bộ. Điều này sẽ khiến thời gian chờ đợi tại sân bay dài hơn, người dân EU không còn được tự do đi lại.

Nhiều người kỳ vọng, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu - Thổ Nhĩ Kỳ và Hội nghị của Hội đồng châu Âu sắp tới đây ở Brussels, Bỉ tới đây sẽ có giải pháp khả thi cho bài toán khó khủng hoảng người tị nạn nhập cư vào EU.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>