Bầu cử Tổng thống Pháp: Hai ứng cử viên sáng giá

25/04/2017 | 07:31 GMT+7

Trong số 9 ứng cử viên bị loại, 2 ứng cử viên chủ chốt gồm cựu Thủ tướng Francois Fillon giành được 19,96% phiếu bầu, còn nhà lãnh đạo phong trào cực tả Jean-Luc Melenchon được 19,49% số phiếu. Như vậy, ông Macron và bà Le Pen sẽ cùng nhau bước vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, dự kiến diễn ra vào ngày 7-5 tới.

Hai ứng cử viên Marine Le Pen và Emmanuel Macron sẽ cùng vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Ảnh: France24

Vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này thu hút gần 80% số cử tri đăng ký, con số tương đương những lần trước. Trên cả nước có 66.546 điểm bỏ phiếu, mở cửa từ 8 giờ sáng và đóng cửa lúc 20 giờ. Theo kết quả sơ bộ vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23-4, ứng cử viên trung dung, thủ lĩnh phong trào “Tiến bước” Emmanuel Macron đạt 24%; và Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen đạt 21,8%, dẫn dầu cuộc đua và sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử. Reuters nhận định kết quả nói trên là sự thất bại lớn đối với 2 nhóm trung hữu và trung tả vốn thống trị chính trường Pháp suốt 60 năm qua. Các ứng cử viên bảo thủ và xã hội chủ nghĩa kêu gọi người dân ủng hộ cho ông Macron, ngăn chặn bà Le Pen có cơ hội giành chiến thắng trong vòng 2.

Theo đánh giá chung, ông Emmanuel Macron giành thắng lợi bởi sự trẻ trung (39 tuổi), đầy năng lực (nguyên Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ Tổng thống François Hollande), hứa hẹn những thay đổi trong cách điều hành, đem lại một “luồng gió mới” mà người Pháp đang mong đợi trong đời sống kinh tế-chính trị-xã hội. Ông Emmanuel Macron đã vận động được nhiều lực lượng ủng hộ khi đứng ở vị trí trung dung, có thể tranh thủ được cả những người cánh hữu và đặc biệt là cánh tả đang trong cơn khủng hoảng như Chủ tịch Phong trào Dân chủ (MoDem), François Bayrou, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian hay nguyên Thủ tướng Manuel Valls...

Trong khi đó, nữ thủ lĩnh của đảng cực hữu FN, bà Marine Le Pen giành thắng lợi nhờ dựa vào tình hình thực tế ở Pháp và châu Âu hiện nay. Với khẩu hiệu “nước Pháp trước tiên”, nữ thủ lĩnh của đảng cực hữu FN đã đi vào những vấn đề lớn của xã hội Pháp, tác động đến tâm lý bộ phận không nhỏ dân chúng đang bức xúc trước cuộc khủng hoảng nhập cư, các cuộc khủng bố Hồi giáo cực đoan, tình hình kinh tế khó khăn và nạn thất nghiệp, truyền thống và bản sắc dân tộc bị đe dọa trước sự thâm nhập của văn hóa ngoại lai... Điều này cũng phản ánh tâm trạng chung của người dân châu Âu và đà phát triển của các đảng cánh hữu và trào lưu dân túy ở châu Âu, dưới sự tác động của sự kiện Anh tách khỏi EU (Brexit) và việc Donal Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Bà Marine Le Pen từng duy trì được thế dẫn đầu trong 1 thời gian khá dài trong các cuộc thăm dò dư luận với tỷ lệ ủng hộ dao động từ 26-28%, và chỉ chịu tụt xuống sau ông Emmanuel Macron một chút (1%) những ngày gần đây. Đặc biệt, bà luôn đạt trên 40% số phiếu ủng hộ của tầng lớp công nhân.

Nếu như trong nhiều cuộc bầu cử Pháp trước đây, tuổi trẻ là vật cản tiến bước của rất nhiều chính trị gia thì trong cuộc bầu cử hiện tại, khi đã quá mệt mỏi với các chính trị gia già và chậm thay đổi, người Pháp đang kỳ vọng vào chính trị gia mới chỉ 39 tuổi này với hy vọng ông sẽ mang đến nhiều thay đổi cho nước Pháp. Tuổi trẻ đang là lợi thế rất lớn của ông Emmanuel Macron. Trong khi đó, bà Marine Le Pen sẽ khó khăn khi phải vượt qua ranh giới bấy lâu nay để giành chiến thắng chung cuộc. Ranh giới ấy là ấn tượng xấu của dân chúng Pháp với chính sách bảo thủ cực đoan và phân biệt chủng tộc, tôn giáo của FN, cho dù điều đó đã được xoa dịu gần đây. Tiếp đó, nước Pháp dường như chưa dễ chấp nhận một phụ nữ lên làm Tổng thống.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>