Bán đảo Triều Tiên ‘nóng” lên sau vụ thử hạt nhân

13/01/2016 | 07:21 GMT+7

Trong suốt mấy mươi năm qua, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng đối đầu, có lúc rất căng thẳng. Thời gian gần đây, sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, tình hình lại “nóng” lên, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Máy bay B52 Stratofortress của Mỹ.  Nguồn: AFP/TTXVN

Sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, nhiều nước đã lên tiếng phản đối, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc đã có những phản ứng gay gắt, làm cho tình hình trên Bán đảo Triều Tiên lại “nóng” lên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng, vụ thử bom H của nước này là một biện pháp tự vệ trước các mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân từ Mỹ và Bình Nhưỡng có quyền hành động như vậy. Ông Kim Jong-un nêu rõ: “Vụ thử bom H của Bình Nhưỡng là một biện pháp tự vệ nhằm bảo vệ vững chắc hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như an ninh khu vực trước mối đe dọa chiến tranh hạt nhân của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ dẫn đầu. Đây là quyền lợi chính đáng của một quốc gia có chủ quyền và là hành động hợp pháp không ai có quyền chỉ trích”. Trung Quốc là quốc gia láng giềng và thân cận với Triều Tiên cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nêu rõ: “Hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á đáp ứng những lợi ích cơ bản của tất cả các bên. Trung Quốc hy vọng tất cả các bên kiềm chế và hành động thận trọng để tránh làm leo thang căng thẳng”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nhắc lại lập trường của nước này luôn phản đối Triều Tiên thử hạt nhân, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với tất cả các bên duy trì liên lạc để đưa vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc cũng đã lên tiếng phản đối vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và sẽ đưa ra biện pháp đối phó.

Nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ đã triển khai một máy bay ném bom B-52 có khả năng mang tên lửa hạt nhân tới Hàn Quốc. Người đứng đầu lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Curtis Scaparotti cho biết, động thái trên nhằm thể hiện sức mạnh và khả năng của liên minh Mỹ-Hàn. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho hay đang tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc để cân nhắc các phương án đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ đối với an ninh của Hàn Quốc. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho biết sẽ thông qua dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố thử thành công hạt nhân. Khi được hỏi về những bước đi sắp tới của Mỹ nhằm trừng phạt Triều Tiên về vụ thử hạt nhân của nước này, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Dens McDonough nhấn mạnh: “Liên quan đến vấn đề này, tôi khẳng định, Mỹ sẽ không chỉ tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn với cả Trung Quốc và Nga để khiến Triều Tiên ngày càng bị cô lập”. Theo ông Dens McDonough, Triều Tiên nên thực thi thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên năm 2005, trong đó Bình Nhưỡng cam kết dừng mọi chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy sự công nhận về mặt ngoại giao, viện trợ kinh tế và nhiều sự nhượng bộ khác của Mỹ và đồng minh.

Cho đến nay, tình  hình trên Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>