Vị Thanh: Hình thành và phát triển

07/07/2023 | 09:23 GMT+7

Nghề rừng ở Vị Thanh xưa

Từ sự dồi dào, phong phú của nguồn tài nguyên rừng, cư dân khẩn hoang vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu xưa đã khai thác lợi ích “trời cho” để phục vụ vào công cuộc mưu sinh, khẩn hoang vùng đất mới.

Vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu xưa có rất nhiều rừng dừa nước mọc ven các kênh rạch là nguồn lợi quan trọng cho cư dân.

Chợ Sái Phu (Rạch Giá) xưa, như một thương cảng luôn có tàu, thuyền trong nước hay nước ngoài đến “săn hàng” thổ sản, hải sản cụ thể là mật ong, sáp ong, lông chim, cá khô,... Kể cả thú rừng như: heo rừng, nai, kỳ đà, chồn, khỉ, rùa, trăn, rắn,... để đổi lấy gạo. Gần hơn, ngoài vàm sông Cái Lớn cũng ít nhiều có hoạt động trao đổi sản vật.

Vì vậy, trước khi đất rừng được khai phá trồng trọt, thì người khẩn hoang đã mở đầu cuộc lập nghiệp bằng nghề rừng: Trước hết là nghề săn thú, bắt cá. Ngoài việc tìm cách chống ngăn loài thú dữ cọp, sấu để đảm bảo an nguy, các cư dân cũng vừa sáng chế ra loại bẫy bắt heo rừng, bắt nai, chồn, khỉ. Nó giúp cho bữa ăn gia đình thêm dinh dưỡng hoặc bán ra các chợ; nhất là giữ được huê lợi trên các thửa đất mới gieo trồng.

Đến đầu thế kỷ 20, người ta còn thấy cọp ở vùng Hỏa Lựu. Ngoài ra, họ còn tìm bài thuốc bắt rắn; rèn cây lau phụng để đâm sấu, chống cọp như lời kể của các vị cao niên ở phường 4, Vị Thanh. Họ cho biết, thời kháng Pháp vùng Hỏa Lựu, Vị Thanh vẫn còn nhiều khỉ, heo rừng, chồn, rái cá,... chúng hay vô xóm phá hại hoa màu, bắt gà, vịt nên mọi người không chỉ lo canh tác, mà phải biết cách làm bẫy bắt, mang chúng ra chợ bán.

Người ta kể rằng, đất rừng U Minh xưa cá, tôm nhiều như lá rừng. Thế nên người khẩn hoang còn biết cách bắt các loài sống dưới nước như: cua đinh, rắn, rùa, lươn,... Đặc biệt, sáng chế ra nhiều kiểu bắt cá đồng bằng công cụ hoặc bằng tay như: quăng chài, giăng lưới, giăng câu, đặt lờ, đặt trúm, đặt lọp hoặc nò cá, dùng dao chém cá, cất vó,... Dần dần, người ta nghĩ ra cách làm đìa, chất chà,... dụ cá vào sinh đẻ, kiếm ăn. Tới mùa, đúng lúc họ mới dỡ chà, chụp đìa bắt cá.

Giờ đây, nguồn cá giảm mạnh nên nghề bắt cá cũng dần mai một. Đặc biệt nhất, là nghề ăn ong ở Hỏa Lựu, Vị Thanh xưa nằm trong rừng U Minh. Nơi đây nhiều nhất là rừng tràm; hàng năm cứ đến mùa bông tràm, loài ong thường đến làm tổ hoặc người ăn ong còn gọi là khạo rừng phải gác kèo, nhử ong về đóng ổ. Ong ăn bông tràm, hút mật mãn mùa, ổ ong dần thành kho chứa mật, người ăn ong chỉ còn việc đi lấy mật theo cách thức quen thuộc.

Dụng cụ đi ăn ong quan trọng nhất là cây cuốc, rồi cái thúng, cái gùi, dao, búa, lưới trùm mặt. Họ đi trên chiếc xuồng, len lỏi vào rừng, nơi nào có đường đất thì lội bộ. Đến nơi sau khi xem xét kỹ, họ đánh lửa đốt đuốc, rồi lấy các đồ nghề mà sử dụng từng công đoạn, như dùng dao gạt từng cục ong già suốt xuống, người ăn ong cắt lấy cái ổ trắng (tàn ong), đem về nhà vắt ra lấy hết mật.

Theo các vị cao niên, mật ong lấy vào mùa nắng thì đặc kẹo, trong vắt và ngọt gắt. Đây là loại mật tốt nhất, bán có giá. Ngoài mật, người ta còn lấy sáp ong. Sáp được nấu, thắng quyện vào nhau, khi đã thắng tới, thành màu trắng trong, dẻo, để nguội đóng thành cục là đem bán được, để làm đèn cầy.

 Nghề ăn ong, lấy sáp ong có từ thời khẩn hoang, người làm nghề này thường ở sâu trong rừng, xem như kế sinh nhai, trước khi khẩn đất trồng lúa. Tuy vậy, cũng có nhiều người chọn làm nghề chính, vì ổn định lâu dài, là tài nguyên rừng gần như vô tận. Ngày nay, trong các cụm rừng tràm nhỏ ở các xã ngoại thành Vị Thanh, ong vẫn kéo về làm ổ, nghề ăn ong cũng tồn tại, xem như nguồn lợi phụ cho gia đình nhà nông.

Một nguồn lợi lớn khác là nghề săn bắt chim, lấy lông chim, rất phổ biến trong vùng rừng U Minh xưa. Dọc theo hai bờ sông Cái Lớn và các chi nhánh rạch nhỏ, có rất nhiều sân chim, vườn cò. “Sách Đại Nam Nhất Thống Chỉ (Quốc Sử Quán triều Nguyễn) và “Tìm hiểu Đất Hậu Giang đều ghi nhận vùng điều đình, tức sân chim ở Gò Quao khá trù phú. Ngoài ra, còn các sân chim khác ở Chắc Băng, rạch Thầy Quan (Thầy Quơn). Chim ở đây thường là các loài chim lớn như: Chàng bè, già đãy, chó đồng, lông ô. Mỗi con cao từ 1m đến 1,5m; nặng từ 2-5kg, lông chim rất dài, có cọng 0,5m. Từ khoảng tháng 10 âm lịch, chim bắt đầu làm ổ, đẻ trứng, ấp con. Đến cuối tháng giêng những người thợ kéo đến săn bắt, giết chim nhổ lấy lông, bó thành bó rồi mang ra chợ bán. Thương lái chợ Gò Quao, Rạch Giá thu mua xuất cảng sang Tân Gia Ba, Hồng Công, Trung Hoa. Nghề này lợi tức cao, nhưng khá vất vả và có vẻ tàn ác bởi cách săn bắt, giết chim đến tuyệt chủng. Do vậy, về sau chính quyền Pháp cấm làm nghề này. Thời chính quyền Việt Nam cộng hòa, điểu đình (Gò Quao) đặt thành rừng cấm, một số loài chim lớn tản ra ở các sân chim nhỏ, hay các vườn khác. Giờ thì bóng dáng điểu đình đã mất tích.

Ở trong phạm vi rừng U Minh, kế cạnh các sân chim, vườn cò,... nên người Hỏa Lựu, Vị Thanh rất thành thạo nghề bắt chim, lấy lông; cũng như bao cư dân khác trong vùng Kiên Giang, Rạch Giá xưa. Do đây là nguồn lợi lớn nên thu hút một bộ phận người đi làm nghề rừng.

Thời Pháp thuộc, có địa chủ tên Sáu Yến (Trần Kim Yến) bỏ vốn đào kinh dài 5 cây số, đắp bờ trồng 5 lỗ rừng tràm, bên bờ rạch Cái Tư, Hốc Hỏa diện tích lên đến hàng trăm mẫu. Dân gian quen gọi rừng Sáu Yến. Tràm khi lớn lên được thu hoạch, mối lái đến mua chở đi bán khắp Nam Kỳ làm cừ, cột để xây cất nhà. Sau ngày hòa bình năm 1975, cũng có nhiều bà con trồng rừng tràm lấy huê lợi, cho đến nay. Tuy nhiên, chỉ trồng lẻ tẻ, diện tích không lớn.

Về rừng dừa nước, trải qua chiến tranh bị tàn phá nhiều. Dù vậy, do chỉ trồng ở bãi bùn ven sông, không choán đất canh tác ruộng, vườn nên được nhà nông phục hồi, chăm sóc tốt. Ngày nay, ven các bãi sông còn nhiều cụm dừa nước xanh ngát. Đó cũng là nguồn lợi quan trọng, khi thu hoạch bán lại cho cơ sở chằm lá trong vùng, ra lá tấm, lá xé bán đi khắp nơi để lợp nhà.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>