Vì một Nhà nước tiến bộ

23/05/2016 | 07:11 GMT+7

Đến thời điểm này, chúng ta có quyền khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp. Cử tri đã chọn ra người xứng đáng tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, suy cho cùng là cả quyền hành pháp và tư pháp.

Kỳ họp đầu tiên của cơ quan dân cử sẽ bầu, phê chuẩn các chức danh chủ chốt của Nhà nước, chính quyền địa phương, lãnh đạo các cơ quan tư pháp, từ đó hoàn thiện tổ chức nhân sự - từ nhân dân mà ra.

Và chính họ phải có nghĩa vụ, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Mọi người có thể thấy rõ từ đây quan điểm Nhà nước của dân, do dân và vì dân đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm.

Nhân dân lao động làm chủ Nhà nước thì dẫn đến một hệ quả là nhân dân có quyền kiểm soát Nhà nước, cử tri bầu ra các đại biểu, ủy quyền cho các đại biểu đó bàn và quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh. Đây thuộc về chế độ dân chủ đại diện bên cạnh chế độ dân chủ trực tiếp.

Sinh thời, Bác nêu lên quan điểm dân là chủ và dân làm chủ. Dân là chủ có nghĩa là xác định vị thế của dân, còn dân làm chủ có nghĩa là xác định quyền, nghĩa vụ của dân. Trong Nhà nước của dân, với ý nghĩa đó, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ. Bằng thiết chế dân chủ, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm quyền làm chủ của dân, để cho nhân dân thực thi quyền làm chủ của mình trong hệ thống quyền lực của xã hội. Quyền lực của nhân dân được đặt ở vị trí tối thượng. Điều này có ý nghĩa thực tế nhắc nhở những người lãnh đạo, những đại biểu của nhân dân làm đúng chức trách và vị thế của mình, không phải là đứng trên nhân dân, coi khinh nhân dân, “cậy thế” với dân, “quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân”.

Nhà nước do dân lập nên, do dân ủng hộ, dân làm chủ. Vì vậy, nhiệm vụ của những người cách mạng là phải làm cho dân hiểu, làm cho dân giác ngộ để nâng cao được trách nhiệm làm chủ, nâng cao được ý thức trách nhiệm chăm lo xây dựng nhà nước của mình. Việc nước là việc chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm “ghé vai gánh vác một phần”.

Nhà nước vì dân là một Nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, ngoài ra không có bất cứ một lợi ích nào khác. Đó là một Nhà nước trong sạch, không có bất kỳ một đặc quyền, đặc lợi nào. Trên tinh thần đó, mọi đường lối, chính sách đều chỉ nhằm đưa lại quyền lợi cho dân; việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố gắng tránh.

Cử tri sẽ không nhớ hết những gì ứng cử viên/đại biểu hứa, nhưng với mong muốn gần dân, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân, vì nhân dân phục vụ, vì một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng, văn minh của đại biểu cũng là những gì cử tri rất cần họ thực hiện bằng những việc làm cụ thể. Bao hứa hẹn của người ứng cử giờ đắc cử sẽ là cam kết chính trị, những ràng buộc ít nhiều mang tính pháp lý, và chính họ phải đoàn kết, chung tay xây dựng nhà nước pháp quyền, chính quyền địa phương của dân, do dân và vì dân thêm vững mạnh.

Quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện. Đại diện cho dân là vinh dự, làm được những gì chính đáng dân cần là hạnh phúc lớn của đại biểu. Phát huy hơn nữa trí tuệ, năng lực, sở trường, trang bị thêm kỹ năng ngay từ hôm nay để khẳng định mình, thể hiện trọng trách của mình phải chăng là tiếng gọi đang thôi thúc những đại biểu nhân dân ?

Một Nhà nước tiến bộ, một chính quyền địa phương trong sạch, hiệu lực, hiệu quả không thể thiếu những công bộc của dân có tâm, có tầm. Tâm sáng, tầm cao thì đại biểu dân cử ít nhiều sẽ làm tròn lời hứa, bổn phận với dân, với nước ! Và ở đó, người đại biểu dân cử phải thấy/biết được thời đại, thấy/nghe được lòng dân, thượng tôn pháp luật để có nhiều ý kiến, việc làm thiết thực nhằm đạt được mục tiêu mà thời đại và nhân dân đang cần.

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>