Trả lời kiến nghị của cử tri

10/03/2017 | 07:08 GMT+7

Cử tri nêu kiến nghị:

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp, tích cực hỗ trợ vốn tín dụng đối với các tỉnh bị hạn, xâm nhập mặn. Chủ động rà soát các khoản nợ vay của nhân dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, kịp thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như giảm lãi vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... Tiến hành hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 55/2015 ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Văn bản cơ quan Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời:

Trong những tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của E1 Nino, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, giúp người dân, tổ chức kinh tế ổn định sản xuất và đời sống, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03 ngày 9-3-2016 về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể:

Văn bản cơ quan Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng: Chủ động rà soát thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo thẩm quyền và khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.

Căn cứ vào quyết định công bố thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn của UBND tỉnh, thành phố, khẩn trương hướng dẫn, phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ và tổng hợp số liệu báo cáo để khoanh nợ theo quy định tại Nghị định 55/2015.

 Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch căn cứ vào khả năng phục hồi sản xuất của khách hàng tiếp tục cho vay để khách hàng thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh theo quy định.

Chủ động huy động, điều hòa để đảm bảo nguồn vốn cho các nhu cầu vay khôi phục sản xuất của khách hàng.

Chủ động tiếp cận, tham gia đầu tư vào các dự án, chương trình đầu tư các công trình phòng, chống, hạn chế hạn hán, xâm nhập mặn, công trình nước sạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội: Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch rà soát, xác định tình hình và số thiệt hại để gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Quyết định số 50/2010 ngày 28-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả các đối tượng có nợ bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn chưa trả được nợ cho ngân hàng và đang được xem xét xử lý theo quy định. Cân đối nguồn vốn để ưu tiên cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đối với các vùng bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành rà soát các khoản nợ vay của khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp người dân, tổ chức kinh tế ổn định sản xuất và đời sống. Theo đó, đến ngày 30-11-2016, trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 10.151 khách hàng với dư nợ được cơ cấu gần 227 tỉ đồng; cho vay mới để hỗ trợ phục hồi sản xuất đối với 19.979 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế là hơn 504,2 tỉ đồng. Riêng tại tỉnh Hậu Giang, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới hơn 44 tỉ đồng đối với 4.205 khách hàng để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các giải pháp của NHNN đã tích cực đồng hành cùng với chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống. Những nỗ lực này của Chính phủ, NHNN cũng như các bộ, ngành đã được địa phương, người dân đánh giá cao.

Cử tri hỏi:

Cho phép tỉnh Hậu Giang được sử dụng toàn bộ nguồn thu vượt để đầu tư vào các công trình phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh được không ?

Bộ Tài chính trả lời:

Theo Kết luận số 63 ngày 27-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, trong đó tiếp tục yêu cầu các địa phương dành 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương để thực hiện cải cách tiền lương theo Kết luận số 63.

Đối với việc đầu tư vào các công trình phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, Bộ Tài chính đề nghị tỉnh có báo cáo cụ thể các dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>