Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào

28/07/2017 | 10:04 GMT+7

    (Tiếp theo)

Thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017, tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017), Báo Hậu Giang trích đăng nội dung về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

Năm 2016, hợp tác thương mại giữa hai nước diễn ra nhiều hoạt động, như: “Hội chợ thương mại Việt - Lào năm 2016” tại Thủ đô Viêng Chăn vào tháng 7 năm 2016; Hội nghị Thương mại biên giới Việt Nam - Lào lần thứ X tại tỉnh  Áttapư (Lào) vào tháng 9 năm 2016; Ký Bản ghi nhớ về thành lập website kinh tế - thương mại Việt Nam - Lào tháng 11 năm 2016…; Hội nghị phổ biến Hiệp định Thương mại song phương mới và Hiệp định Thương mại biên giới được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 7 năm 2016 và tại Lào và tháng 8 năm 2016. Hai nước tiến hành phối hợp nghiên cứu và xây dựng “Đề án Tổng thể phát triển Thương mại Việt Nam - Lào giai đoạn 10 năm (2017-2026)”; tìm kiếm giải pháp cần thiết thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước…

Về kết nối giao thông vận tải, hai nước quan tâm đặc biệt tới việc bảo đảm kết nối giao thông đường bộ trên các trục huyết mạch và các tuyến kết nối qua biên giới với các cảng biển của Việt Nam để phục vụ đầu tư, thương mại Việt Nam - Lào, trên nguyên tắc đầu tư đồng bộ và đồng thời giữa hai bên. Hai bên đã tập trung triển khai có hiệu quả Biên bản ghi nhớ về “Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải” (ký tháng 9-2015), trong đó, hai ngành giao thông vận tải đã thống nhất Kế hoạch 5 năm (2016-2020) thực hiện Bản ghi nhớ này; hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn và ký kết Thỏa thuận về đầu tư xây dựng dự án (11/2016). Việt Nam và Lào tiến hành nghiên cứu khả thi một số dự án kết nối giao thông: tuyến đường sắt Thà Khẹc - Mụ Giạ - Tân Ấp - Vũng Áng; phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét việc bổ sung tuyến đường 8 vào Hiệp định GMS - CBTA1; thúc đẩy các thủ tục cần thiết để mở tuyến vận tải hành khách từ Hà Tĩnh đi Khăm Muộn (Lào) đến Nakhon Phanôm (Thái Lan) và ngược lại để phát triển du lịch. Hai bên đang tiếp tục phối hợp với Nhóm tư vấn của ADB đánh giá, rút kinh nghiệm mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Đenxávẳn và xem xét khả năng nhân rộng triển khai mô hình này tại các cặp cửa khẩu khác khi có điều kiện...

Hai bên phối hợp nghiên cứu phương án nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Lào - Việt Nam theo hướng tăng tính chủ động cho phía Lào; Chính phủ hai nước xem xét khả năng sửa đổi, bổ sung “Thoả thuận sử dụng cảng Vũng Áng” để phía Lào khai thác cảng Vũng Áng hiệu quả hơn trong tình hình mới.

Việt Nam và Lào tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và cùng phối hợp với các nước Tiểu vùng sông Mê Công trong việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công.

Về hợp tác giáo dục - đào tạo, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực cho Lào ngày càng được tăng cường về số lượng, cải thiện về chất lượng với các phương thức và loại hình đào tạo đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Lào; các cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam được quan tâm đầu tư nâng cấp. Chất lượng học tập lưu học sinh Lào theo diện Hiệp định có chuyển biến tốt. Năm học 2010-2011, có 4.709 lưu học sinh Lào; năm học 2011-2012 có 5.234 lưu học sinh Lào; năm học 2012-2013 có 6.493 lưu học sinh Lào: năm học 2013-2014 có 7.782 lưu học sinh Lào; năm học 2014-2015 có 9.295 cán bộ, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam.

Hai bên tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”; ký Nghị định thư về hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai nước (thay thế Nghị định thư đã hết hạn); thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Việt tại Lào; khuyến khích cán bộ Lào học tiếng Việt và cán bộ Việt Nam học tiếng Lào. Chính phủ Việt Nam dành 1.200 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam (500 suất đào tạo dài hạn và 700 suất đào tạo ngắn hạn). Tính đến thời điểm hiện tại, số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là hơn 14.209 người. Chính phủ Lào dành 60 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Việt Nam sang học tập tại Lào theo chương trình đại học, sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn nâng tổng số lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào là 290 người.

Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông, lao động, văn hóa nghệ thuật, thể thao du lịch, bảo tàng... được hai bên quan tâm thực hiện. Việt Nam đã tổ chức động thổ xây dựng hai bệnh viện hữu nghị tại tỉnh Hủa Phăn trị giá khoảng 20 triệu USD và tỉnh Xiêng Khoảng trị giá khoảng 17 triệu USD. Việt Nam và Lào cũng đã ký thỏa thuận  hợp tác nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của hai nước.

Quan hệ hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể, các địa phương tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện linh hoạt, hiệu quả và thiết thực. Hai bên đã trao đổi các đoàn, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Các Ban của Đảng (Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương) đã ký hợp tác với các Ban của Lào.

(Còn tiếp)

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2017, Tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn).

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>