Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”

31/08/2023 | 09:24 GMT+7

Các cấp, các ngành và toàn dân cần nghiêm túc chấp hành quy định của Hiến pháp, pháp luật và nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, qua đó sẽ tạo xung lực, cộng lực, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, dành cho phóng viên cuộc trao đổi sâu về vấn đề nhà nước pháp quyền ở nước ta, nhân kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023).

Ông Lê Minh Nam tích cực góp ý, thảo luận trong hoạt động của Quốc hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Thưa ông, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 là văn bản chính trị, pháp lý đặt nền tảng cho việc khẳng định, thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Ông nhận thấy, trong từng giai đoạn lịch sử đến năm 1991, Việt Nam đã xây dựng, đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền của ta như thế nào ?

- Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Vì vậy, Tuyên ngôn Độc lập chính là nền tảng tư tưởng và là cơ sở chính trị, pháp lý cho việc ra đời bản Hiến pháp năm 1946 với nhiều nội dung cốt lõi.

Đó là khẳng định quyền độc lập dân tộc; khẳng định quyền dân chủ và chủ quyền của Nhân dân Việt Nam đối với vận mệnh của dân tộc mình; vạch đường hướng để Hiến pháp 1946 thiết lập chính thể “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Là nền móng chính trị, pháp lý cơ bản để theo dòng lịch sử, Đảng và Nhà nước ta xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Xét theo từng giai đoạn lịch sử đến năm 1991, Việt Nam đã xây dựng, đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền thông qua các cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng.

Cụ thể, Hiến pháp 1946 được ban hành để thực hiện “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân” nhằm đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo, đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Hiến pháp 1959 đã thể chế hóa quan điểm Đảng về “sử dụng chính quyền dân chủ nhân dân, làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản” và quy định “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về Nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và HĐND các cấp do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân”. Hiến pháp 1980 thể chế hóa quan điểm của Đảng về Nhà nước chuyên chính vô sản, theo đó “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước đó là thực hiện quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động…”.

Tại Đại hội lần thứ VI năm 1986 của Đảng tiếp tục khẳng định “Nhà nước ta là công cụ của chế độ làm chủ tập thể XHCN, do giai cấp công nhân và nhân dân lao động tổ chức thành cơ quan quyền lực chính trị”… và xác định chủ trương “Xây dựng và thực hiện một cơ chế quản lý nhà nước thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở tất cả các cấp”…

Cuối năm 1991, khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (ngày 29-11-1991) và được thực hiện nghiêm túc những năm sau đó. Giai đoạn này, nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân hình thành rõ các đặc trưng và hiệu quả ra sao, thưa ông ?

- Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 1992 khẳng định rất rõ: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” và “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của Nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của Nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Hơn 20 năm thực hiện, Hiến pháp năm 2013 được hoàn thiện, bổ sung và tiếp tục khẳng định “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” và “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Như vậy, với vai trò là đạo luật gốc, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam qua các lần sửa đổi, bổ sung đều xác lập nền tảng pháp lý cơ bản để khẳng định Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam một cách rõ ràng, đầy đủ, toàn diện, là cơ sở quan trọng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức quản lý kinh tế, xã hội trên nền tảng này.

Từ chủ trương, đường lối tại các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật cho thấy Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có những đặc trưng cơ bản:

Là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân; Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp; Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội; Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân, giữ vững mối liên hệ giữa Nhà nước và công dân, giữa Nhà nước và xã hội; Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước; Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Về hiệu quả thì như chúng ta đã biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức thực hiện của Nhà nước, mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cho dù còn những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng chúng ta đã gặt hái được những thành tựu to lớn, qua đó có thể khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Cuối năm 2022, Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới ra đời, ông nhận thấy cùng với Hiến pháp 2013 (cơ sở pháp lý), cơ sở chính trị này đã tạo động lực như thế nào để toàn xã hội chung tay xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ?

- Đầu tiên phải nói đến sự cần thiết và ý nghĩa, tác dụng của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã giúp cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mang lại điều kiện sống và đời sống tốt hơn cho người dân. Đây chính là động lực quan trọng, nội tại thúc đẩy toàn xã hội tự giác chung tay xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

Sau đó, cũng phải khẳng định rằng Nghị quyết 27 đã xác định rất tổng thể, đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, khoa học về giải pháp và phân công nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan quyền lực trong hệ thống chính trị, cũng như thúc đẩy và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân. Những yếu tố nêu trên đã tác động lan tỏa ra toàn xã hội, mang lại kết quả, chất lượng, hiệu quả rất tích cực. 

Đâu là những vấn đề để chúng ta giải quyết thời gian tới nhằm hoàn thiện hơn Nhà nước như đã trao đổi ?

- Có nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới, tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao, với ý chí, sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có trách nhiệm Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Nghiêm túc chấp hành quy định của Hiến pháp, pháp luật và nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao đối với từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, qua đó sẽ tạo xung lực, cộng lực nhằm đạt mục tiêu chung, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nguồn lực để thực hiện tốt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện đúng theo tinh thần Hiến pháp.         

Với trách nhiệm là một đại biểu Quốc hội, ông sẽ có những đóng góp như thế nào nữa để Nhà nước ta thêm hoàn thiện về thể chế, quy định, phục vụ Nhân dân tốt hơn ?

- Là đại biểu Quốc hội, trước tiên tôi phải nghiêm túc thực hiện đúng và tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải nỗ lực thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong đó, làm tốt nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện tốt được nhiệm vụ này sẽ góp được một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 

Với trách nhiệm tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội liên quan đến công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tôi sẽ nỗ lực tham gia dự thảo, thẩm tra, góp ý, thảo luận và biểu quyết… nhằm thúc đẩy việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đúng với các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>