Người lính dân công hỏa tuyến tiêu biểu

23/05/2016 | 06:44 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Cao (Út Cao), ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, từng tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến tại lộ Vòng Cung (thành phố Cần Thơ). Trải qua nhiều gian nan, vất vả, ông vẫn cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang. Sau năm 1975, trở về địa phương, ông tham gia lao động, sản xuất và trở thành một trong những đảng viên làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Ông Cao chăm sóc vườn ổi của gia đình.

Theo hướng dẫn của địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Út Cao trong một buổi chiều trời mưa rả rích. Trên con lộ bê tông ngoằn ngoèo, ngôi nhà ông Cao hiện ra trước mắt, dù đã cũ nhưng khá khang trang. Phía trước nhà là hàng rào cây xanh thẳng tắp, dường như xanh mướt hơn bởi vừa được tắm mưa sau những ngày nắng gắt. Thấy người lạ, ông Cao bước từ nhà ra sân chào hỏi bằng một nụ cười thân thiện. Khi biết được lý do, ông Cao cười nói: “Muốn biết công việc của lực lượng dân công hỏa tuyến thì chú kể cho nghe, còn viết về kinh tế gia đình thì có gì đâu mà viết. Kinh tế chỉ đủ nuôi con cái khôn lớn, chú với thím tuổi già không phải lo lắng chuyện tiền nong thôi”.

Sau một hồi lân la, câu chuyện cũng được bắt đầu khá tự nhiên. Ông Cao kể, năm 1967, ông xin tham gia lực lượng thanh niên xung phong khi tròn 18 tuổi. Thời điểm đó, ông Cao cũng như nhiều thanh niên khác đều mang trong lòng mối thù nhà, nợ nước. Năm 1968, ông Cao được phân công tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, súng ống, đạn dược, lương thực, thực phẩm, chuyển thương, bệnh binh; làm đường cơ động, san lấp hố bom đảm bảo giao thông, liên lạc; đào hầm, hào, xây dựng trận địa, khu vực phòng thủ… đảm bảo cho các đơn vị quân đội chiến đấu, sẵn sáng chiến đấu.

Ông Cao nói: “Nhiệm vụ nào cũng góp phần vào mục tiêu diệt thù nên tôi không đắn đo. Mặc dù không trực tiếp đối đầu với giặc nhưng hiểm nguy luôn rình rập và nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh khi trên đường làm nhiệm vụ. Hoạt động được một năm, chỉ huy thông báo chuyển địa bàn hoạt động qua vùng Vị Thanh - Long Mỹ, sau năm 1975 tôi trở về địa phương”.

Khép lại câu chuyện làm nhiệm vụ nơi chiến tuyến, ông Cao kể tiếp về những tháng ngày khó khăn khi hòa bình lập lại. Lúc đó, ông vừa phải tham gia công tác ở địa phương, vừa phải chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Để mùa vụ không trễ nải, ban ngày, ông Cao làm việc ở cơ quan, tối ông cùng vợ đi trồng và tưới mía, đắp đập, thu hoạch khoai. Nhờ cần cù, chịu khó nên từ 5 công đất cha mẹ cho ban đầu, sau một thời gian ngắn, ông đã mua được thêm 20 công, thuê thêm 10 công để trồng trọt, phát triển kinh tế. Hiện tại, ngoài trồng lúa, ông Cao trồng thêm ổi và dừa xiêm, bình quân thu nhập gia đình ông trên 150 triệu đồng/năm.

Điều mọi người quý ở ông Cao không chỉ là người lính chăm chỉ, giỏi giang mà ông còn rất có trách nhiệm trong công việc. Trải qua vai trò từ Trưởng ấp đến Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Cao đều làm rất tốt nhiệm vụ. Hiện tại, dù không còn giữ vai trò trưởng ấp, nhưng người dân ấp 10 vẫn nhắc đến ông bằng những tình cảm thương yêu, quý mến.

Bà Lý Thị Chi cho biết: “Trước đây, khi anh Út Cao còn làm trưởng ấp, đi đâu, làm gì cũng đem theo cây viết, cuốn tập trắng để sẵn sàng làm giấy tờ cho bà con khi cần thiết. Bà con nào cần chứng giấy tờ thì dù gặp ngoài ruộng hay đang ăn cơm ảnh cũng đều nhiệt tình giúp đỡ. Chuyện nào không thuộc trách nhiệm của mình thì tận tình hướng dẫn để bà con biết cách thực hiện. Nhờ nhiệt tình, gần dân nên dân ở đây ai cũng thương ảnh”.

Với những đóng góp tích cực trong các phong trào, hoạt động, đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ông Cao rất xứng đáng là một tấm gương sáng trong lực lượng lính dân công hỏa tuyến cũng như trong cuộc sống đời thường.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>