Hồ Chí Minh Trăng xưa, hạc cũ với xuân này

24/01/2017 | 10:26 GMT+7

Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Việt Bắc để lãnh đạo toàn dân chống thực dân Pháp xâm lược. Một bộ phận người dân cũng tản cư từ vùng địch tạm chiếm hoặc có chiến sự ra vùng giải phóng. Chiến khu Việt Bắc trở thành Thủ đô kháng chiến của cả nước.       

Là người lãnh đạo cách mạng nhưng Bác rất tiết kiệm, sống giản dị. Vì vậy, hàng ngày, Bác cùng các đồng chí sống tại Chiến khu Việt Bắc lại cùng nhau tăng gia sản xuất.

Mùa xuân năm 1947, Bác Hồ làm bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc, tả phong cảnh và sinh hoạt nơi này.

Cảnh rừng Việt Bắc

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày

Khách đến thì mời ngô nếp nướng

Săn về thường chén thịt rừng quay

Non xanh, nước biếc tha hồ dạo

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say

Kháng chiến thành công ta trở lại

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Năm 1947

Luật sư Phan Anh, trí thức yêu nước theo kháng chiến, trong hồi ức Được gần Bác ở Thủ đô gió ngàn, kể lại:

“Kháng chiến toàn quốc qua cái tết đầu tiên, anh em chúng tôi chuyển lên Chiến khu Việt Bắc… Hai chữ chiến khu đối với người trí thức lúc đó chứa biết bao bí ẩn lo âu… Chúng tôi đến huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) vào một buổi tối, được tin Bác triệu tập. Nơi họp là một cái đình nhỏ bằng gỗ, lợp tranh ở sâu trong rừng. Chúng tôi đợi một lúc thì thấy một ông cụ đầu trùm khăn, ung dung đi ngựa tới, giọng nói ấm áp. Ngọn lửa trong sân đình càng thêm sáng. Họp xong ăn ngô nướng, mọi người tự nướng lấy ngay ở đống lửa đang cháy, thay cho bếp, cho đèn. Còn ngô thì toàn là ngô mới bẻ, lại thêm nước chè tươi. Khi họp xong, anh em ra về, lại có tin đến: Trong bản bên cạnh có săn được một con lợn rừng. Ai đó cất tiếng: Ngày mai ta có thức ăn tươi. Nhưng cái thức ăn tươi nhất, món quà duy nhất tôi nhận được ngày hôm sau, đó là bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc của Bác… Nỗi lo âu của chúng tôi trong quãng đường đầu của kháng chiến dần dần tiêu tan và niềm vui nẩy nở trong cuộc sống mới” (1).

Đó là hoàn cảnh ra đời của bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc. Nhà thơ Xuân Diệu cho biết cụ thể thêm rằng bài thơ này được Bác ứng khẩu đọc lên ngay trong buổi họp mặt đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ở Việt Bắc mà ông Phan Anh đã kể ở trên.

Nhân dịp Tết Nguyên đán đầu tiên sau hòa bình, các cháu thiếu nhi Thủ đô đến chúc tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và múa hát quanh Bác, Hà Nội ngày 9-2-1955.

Bài thơ tả cảnh núi rừng, cuộc sống ở Việt Bắc thật là hay. Có chim kêu, vượn hót, non xanh, nước biếc, trăng trong. Có ngô nướng, thịt rừng, rượu ngọt, chè tươi. Có cả “đánh chén”, mặc sức say! Thật ra, còn nhiều nữa, đó chỉ là một số điển hình. Hòa với phong cảnh, sinh hoạt ấy là cuộc sum vầy đầm ấm, vui tươi, nghĩa tình. Thì ra, Việt Bắc cũng có mùa xuân, đẹp thế, vui thế, đâu phải là nơi buồn tênh, không dấu chân người! Tất cả đều là hiện thực, chỉ có “hạc” là có phần ước lệ, biểu trưng cho sự thanh tao, cao đẹp. Đúng vậy, Việt Bắc có nhân dân hết lòng đùm bọc, chở che cách mạng; nơi quy tụ những người có chí lớn, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức, không quản ngại gian khổ, hy sinh để chiến đấu vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân. Việt Bắc đẹp cả về cảnh vật, cuộc sống, tình người, tình đồng bào lúc Tổ quốc trong cơn nguy biến. Mai này kháng chiến thắng lợi, cũng sẽ về Việt Bắc để tìm lại “trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Bài thơ dùng bút pháp tả thực “pha” một chút ước lệ làm cho Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn - vừa hiện thực, sinh động, vừa huyền diệu, cao cả !

Mấy ngày sau, ông Phan Anh làm bài thơ họa lại và gửi lên Bác, bày tỏ cảm xúc của mình khi về với núi rừng Việt Bắc:

Cảnh rừng càng biết lại càng hay

Khác cảnh phồn hoa sống mỗi ngày

Ngựa bước dồn câu, ta vẫn vững

Tàu bay hết nước, địch đành quay

Núi rừng cách mặt tình thêm mặn

Thơ phú không men ý vẫn say

Hạc cũ, trăng xưa đâu đó tá

Ngày xuân tô điểm nước non này (2).

* * *

Từ tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công ồ ạt lên Việt Bắc với ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh”, tiêu diệt đầu não lãnh đạo kháng chiến. Quân dân ta chiến đấu anh dũng, gây cho chúng thất bại nặng nề, tin thắng trận liên tục báo về Bác và Trung ương.

Mùa xuân năm 1948, Bác Hồ viết bài thơ chữ Hán Tặng Bùi công. Cụ Bùi Bằng Đoàn (1899-1955) người Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), đậu cử nhân, từng làm đến Thượng thư Bộ Tư pháp thời Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ là nhân sĩ yêu nước, tham gia kháng chiến chống Pháp, được bầu làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội khóa I. Tại chiến khu Việt Bắc, cụ Bùi Bằng Đoàn vui mừng nhận được bài thơ Bác tặng.

Phiên âm:

     Tặng Bùi công

Kháng thư sơn điểu thê song hãn

Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì

Tiệp báo tần lai lao dịch mã

Tư công tức cảnh tặng tân thi.

Cảm kích tấm lòng của Bác, cụ Bùi Bằng Đoàn đã dịch bài thơ theo thể song thất lục bát, nhiều câu hơn, nội dung khá sát với nguyên bản:

Ngồi xem sách bên trong cửa sổ

Kìa chim rừng đến đỗ ngoài song

Công văn phê xếp từng chồng

Hoa xuân nhấp nhoáng bóng lồng đáy nghiên

Ngoài mặt trận ngựa liền phi tới

Đưa tin mừng thắng lợi nhiều nơi

Lòng riêng, riêng những nhớ ai

Mấy câu tức cảnh tặng người đồng tâm (3).

Hiện nay, hầu hết các tập Thơ Hồ Chí Minh đều chép bản dịch thơ bài Tặng Bùi công của Bác như sau:

       Tặng cụ Bùi

Xem sách, chim rừng vào cửa đậu

Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa

Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài (4).

Phía dưới bài dịch thơ không ghi tên người dịch. Ông Vũ Châu Quán giải thích: “Nguyên hồi đó, đồng chí Xuân Thủy - Chủ nhiệm Báo Cứu quốc Trung ương có dịp gặp cụ Bùi Bằng Đoàn, được cụ cho xem bài thơ của Bác Hồ vừa tặng. Đồng chí Xuân Thủy mang về tòa soạn, cùng đồng chí Văn Tân, lúc đó làm chủ bút dịch ra tiếng Việt rồi đăng ngay, sau này khi in vào sách, bản dịch có sửa đôi chữ” (5). Nếu vậy thì bản dịch thơ này của Báo Cứu quốc từ năm 1948. Chúng ta thông cảm với người dịch, do ý thơ trong nguyên tác quá súc tích, luật thơ thất ngôn tứ tuyệt lại bó buộc, không dễ nói đúng hết ý mình, nên mới dịch “phê trát” thành “phê văn” thay vì “phê công văn”, “xuân hoa” thành “hoa núi” thay vì “hoa xuân”, “tần lai” và “tức cảnh” thì không dịch. Phải chăng vì thế mà cụ Bùi mới dùng hai liên song thất lục bát (8 câu), thì mới chuyển tải hết ý của nguyên tác?

Công việc của tác giả hình tượng hóa một cách thi vị: Xem sách, thư từ thì chim núi vào đậu ở song cửa; phê công văn thì hoa xuân soi bóng vào nghiên mực. Không gian thật yên tĩnh, trầm lắng. Bác ngồi làm việc ung dung, chan hòa với núi rừng, chim muông, hoa lá. Hình ảnh chim núi, hoa xuân đến với Bác như thân gần, thăm hỏi, đồng cảm, chia vui với tác giả. Rồi cái tĩnh lặng ấy bị xao động, tin thắng trận từ các nơi báo về dồn dập, ngựa trạm hết sức vất vả. Niềm vui chiến thắng của tác giả theo đó dâng tràn. Xúc cảm trước cảnh vật, liền nhớ đến cụ Bùi, xin tặng một bài thơ mới làm. Bài thơ Tặng Bùi công nêu bật niềm vui trước những thắng lợi đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp; thể hiện lòng thân quý của Bác với người đồng sự, bạn già, bạn thơ Bùi Bằng Đoàn. 

Đồng thời, ngoài bài dịch, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng họa lại bài thơ Bác tặng bằng bài thơ chữ Hán:

Phiên âm:

Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc

Giang sơn vạn lý thủ thành trì

Tri công quốc sự vô dư hạ

Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi.

Dịch thơ:

Sắt đá một lòng vì chủng tộc

Non sông muôn dặm giữ cơ đồ

Biết Người việc nước không hề rảnh

Vung bút thành thơ đuổi giặc thù (6).

Trong các tập Thơ Hồ Chí Minh, bản dịch thơ bài này cũng không ghi tên người dịch. Nhưng theo ông Vũ Châu Quán, Bác Hồ có dịch bài thơ này, gửi phúc đáp cụ Bùi và đăng Báo Cứu quốc lúc đó. Sau này, khi in vào sách Thơ Hồ Chí Minh xuất bản vào năm 1967 và 1970, cũng dựa vào bản dịch của Bác nhưng có thay đổi đôi chỗ. Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội còn lưu bút tích bản dịch của Bác, toàn văn như sau:

Một lòng son sắt bênh nòi giống

Muôn dặm non sông giữ cõi bờ

Việc nước biết Người không chút rảnh

Trong khi đuổi giặc vẫn làm thơ (7).

Bài thơ của cụ Bùi Bằng Đoàn khẳng định quyết tâm sắt đá của Bác Hồ và toàn dân trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, dân tộc. Công việc của Bác rất nhiều, chẳng rảnh rang, nhưng Bác vẫn: “Vung bút thành thơ đuổi giặc thù”. Đối với Bác, thơ với đời hòa quyện nhau, trong khi đuổi giặc vẫn làm thơ, làm thơ là để đuổi giặc. Bài thơ nêu bật uy thế, sức mạnh của nhà thơ, nhà báo Hồ Chí Minh, của văn nghệ sĩ và tác phẩm văn nghệ trong sự nghiệp cách mạng.

Việt Bắc là vùng đất rộng lớn ở phía Bắc Hà Nội, ngày nay bao gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Việt Bắc, nơi Bác về nước lãnh đạo cách mạng, nơi phát lệnh tổng khởi nghĩa, nơi Thủ đô kháng chiến thời chống Pháp. Trong chiến tranh, có lúc địch đánh gần cạnh các cơ quan đóng ở Việt Bắc, công việc bề bộn, khó khăn gian khổ, các cuộc tặng thơ, họa thơ, dịch thơ là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, biểu tượng đẹp đẽ của tình đồng tâm, đồng chí, tình bạn già, bạn thơ tri kỷ giữa Bác với các nhân sĩ, trí thức yêu nước, cán bộ, chiến sĩ trong hành trình kháng chiến, giải phóng dân tộc. 

* * *

Tết Đinh Dậu (1957) là tết thứ ba từ khi Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ về lại Thủ đô Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trước tết, sáng 29-1-1957, Bác Hồ cải trang như một cụ già để đi xem tình hình sắm tết của dân tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Người ghé gian hàng mậu dịch hoa quả hỏi mua 1 trái cam. Nhân viên bán hàng không bán và bảo chỉ bán từ 1kg trở lên. Người tỏ vẻ không vui. Buổi chiều, Người gọi điện thoại cho Bộ Nội thương góp ý về phương thức bán hàng.

Ngày 30-1-1957, nhằm 30 Tết Đinh Dậu. Bác Hồ dự cuộc họp mặt cán bộ cao cấp và nhân sĩ, trí thức tiêu biểu mừng xuân; tiếp các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước tới chúc tết Người; tiếp Đoàn nghệ thuật kinh kịch Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) sang thăm hữu nghị và biểu diễn tại Việt Nam, xem Đoàn biểu diễn buổi đầu tiên; thăm và chúc tết một số gia đình cán bộ, công nhân, dân thường ở Hà Nội. Người thăm hỏi tình hình sắm tết, chúc tết cả gia đình và chia kẹo cho các cháu nhỏ. 

Mùng 1 tết, Bác thăm và chúc tết một số gia đình cơ sở cách mạng cũ ở Hà Nội, một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô, Trại nuôi trẻ mồ côi Kim Đồng ở Hà Tây, công trường xây dựng số 4. Sau đó, Người đi xem cảnh nhân dân đón tết ở Hà Nội (8).

Trước đó, ngày 27-1-1957, Bác Hồ có Điện chúc tết sinh viên, học sinh và thiếu nhi đang học tập ở nước bạn: “Nhân dịp Tết Đinh Dậu, Bác thân ái gửi lời chúc các cháu năm mới vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết, học tập tiến bộ. Nhờ các cháu chuyển lời Bác hỏi thăm các thầy giáo, cô giáo và những đồng chí cán bộ giúp việc các cháu”. Cùng ngày, Bác có Điện chúc tết kiều bào nước ngoài: “Nhân dịp năm mới, tôi gửi lời thân ái chúc toàn thể kiều bào vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết và tiến bộ. Đồng thời kiều bào nên tăng cường tình hữu nghị với nhân dân địa phương”.

Mùng 1 Tết Đinh Dậu, Bác Hồ gửi Thư chúc tết đồng bào cả nước và kiều bào ta ở ngoài nước, toàn thể cán bộ, bộ đội và công an, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng. Người nêu khẩu hiệu về kinh tế trong năm mới là: Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao ý thức tự lực cánh sinh, nhằm cải thiện dần mức sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta.

Cuối thư, Người khẳng định: “Với tinh thần đoàn kết nhất trí của đồng bào ta, với chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta, tôi tin chắc rằng sang năm mới chúng ta sẽ giành được nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp phấn đấu để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (9).

———

(1), (2) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, hồi ký, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, trang 245-247 (lược trích)

(3), (5), (7) Vũ Châu Quán: Bác Hồ với dải đất chiến khu xưa, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2005, trang 39-40

(4), (6) Hoàng Tranh: Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, trang 32-33

(8) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, trang 391-396

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 310

PHẠM MINH KHẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>