“Đầu tàu” trong đồng bào dân tộc

12/01/2017 | 07:30 GMT+7

Tham dự một buổi trao quà cho hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 mà mạnh thường quân là người dân tộc thiểu số mới cảm nhận được sự san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống giữa dân tộc này với dân tộc kia.

Hướng về cộng đồng

Khi nhắc đến ông Lâm Khem (dân tộc Khmer), ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, thì không chỉ bà con trong ấp biết mà gần như cả xã này đều rõ. Bởi ông là người có uy tín trong đồng bào dân tộc hơn 10 năm qua và có tiếng nói không nhỏ trong các hoạt động của ấp.

Cây cầu bắc qua kênh Thủy Lợi được ông Lâm Khem (phải) vận động, đóng góp.

Trực tiếp tham dự một buổi hòa giải của ấp mới thấy tại sao ông xứng đáng với lòng tin của bà con. Chuyện là ông Đ. và ông L. là hai anh em ruột, nhưng tranh chấp nhau phần đất giáp ranh. Sau khi nghe hai người trình bày sự việc, trước tiên ông Khem tuyên truyền một số quy định của Luật Đất đai cho hiểu, đồng thời nêu rõ tầm quan trọng của tình máu mủ, ruột thịt, không vì 1, 2m2 đất mà mất tình anh em. “Cũng nhờ chú Khem tuyên truyền, giải thích nên anh em chúng tôi mới hiểu được quy định của pháp luật, đặc biệt giữ vững được tình cảm ruột thịt”, ông Đ. bộc bạch.

Đây là 1 trong 13 cuộc hòa giải năm 2016 trên địa bàn ấp mà ông Khem chủ trì. Theo ông Khem, trong các mâu thuẫn mà địa phương tiếp nhận, sau khi tổ chức hòa giải thì tỷ lệ thành chiếm đến 90%. Nói về “bí quyết” hòa giải, ông Khem chia sẻ: Phần lớn các mâu thuẫn hay tranh chấp đất đều là họ hàng, anh em. Sau khi tiếp nhận đơn và tổ chức hòa giải, đầu tiên phải tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc để bà con hiểu. Thứ hai là giải thích tầm quan trọng của tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, tình máu thịt, thân tộc, không vì một chút bất hòa mà làm mất đi tình nghĩa. “Không phải người dân không hiểu pháp luật dẫn đến tranh chấp, thưa kiện mà do họ nóng lòng, không kiềm chế được nên dẫn đến như thế. Sau khi nghe giải thích, người dân đã hiểu và làm hòa”, ông Khem cho biết.

Không chỉ vậy, ông Khem còn được biết đến trong việc tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Chỉ tay về cây cầu dài trên 10m bắc qua kênh Thủy Lợi được xây dựng vài tháng, ông Danh Lớn, người dân ở đây, cho biết: “Cũng nhờ bắc được cây cầu này mà người dân đi lại dễ dàng, giao thương thuận lợi. Đó cũng là nhờ chú Khem cả”.

Theo ông Lớn, khi cây cầu này chưa được xây dựng, để qua kênh, người dân phải đi bằng xuồng, ghe, từ đó ảnh hưởng không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, học hành của con em. Thấy vậy, ông Khem bàn với chính quyền địa phương, đồng thời vận động người dân góp tiền xây cầu với tổng kinh phí gần 10 triệu đồng (ông Khem đóng góp 5 triệu đồng). Nay đi trên cây cầu do chính mình vận động, đóng góp, ông Khem vui vẻ nói: “Làm việc gì có lợi cho dân là tôi không từ nan. Bà con vui là tôi vui rồi”.

Đến nay, ông không nhớ mình đã vận động, đóng góp xây dựng bao nhiêu cây cầu, giặm vá bao nhiêu mét đường trên địa bàn, nếu thấy hay có người nói cầu, đường hư hỏng, xuống cấp là ông sẵn lòng. Ở các công trình trên, có lẽ Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3 đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm nhất. Trước đây, ấp 10, xã Lương Nghĩa chưa có Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3 như hiện tại, do đó để đến trường, các em học sinh ở đây phải đi bộ khoảng 3-4km, trong khi giao thông nông thôn lúc ấy hết sức khó khăn.

Thấy vậy, ông Khem cùng với chính quyền địa phương mua trên 2.000m2 đất để xây trường, ông đóng góp 50% số tiền. Lúc đầu, trường được xây chỉ có hai phòng học bằng lá, qua nhiều lần sửa, đến nay được 6 phòng học kiên cố. Không dừng lại ở đó, từ năm 1996 đến nay, mỗi năm ông đều tặng trên 100 quyển tập cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường…

“Do dân trí, đời sống người dân ở đây còn nhiều hạn chế, tôi may mắn có điều kiện hơn họ, do đó góp một phần công sức xây dựng quê hương là việc nên làm. Chỉ mong đủ sức khỏe, minh mẫn để phục vụ là tôi mừng rồi”, ông Khem mong muốn. 

Tích cực làm từ thiện

“Địa chỉ nhân đạo” là câu được mọi người ví von dành cho gia đình ông Lâm Minh Quang (người Hoa), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) người tình nguyện, ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp. Những ngày đầu tháng chạp, chúng tôi tìm đến cũng là lúc ông vừa bàn giao căn nhà về. Gặp chúng tôi, ông vui vẻ nói: “Chú đến trễ một chút là không gặp tôi vì phải xuống tỉnh Sóc Trăng khảo sát một gia đình khó khăn về nhà ở để hỗ trợ. Không nghe thì thôi, nếu nghe gia đình nào gặp khó khăn cần tôi giúp đỡ thì sẵn sàng”.

Ông Lâm Minh Quang (thứ 2 từ trái qua) tặng quà cho gia đình nghèo.

Căn nhà mà CLB người tình nguyện (dẫn đầu là ông Quang) mới cất xong là của bà Trần Thị Gấm, 76 tuổi, hộ neo đơn, ở ấp Tân Phú B, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp. Có lẽ, tết này bà Gấm sẽ đỡ cô đơn khi đón tết trong căn nhà khá tươm tất. Nhiều năm qua, bà Gấm sống một mình, không có ruộng đất, tuy nhiên hàng ngày bà vẫn hái rau, bắt ốc bán kiếm sống, trong khi đó, căn nhà đã xuống cấp nặng. Thấy vậy, CLB người tình nguyện hỗ trợ cất cho bà căn nhà. Đưa mắt nhìn căn nhà, bà Gấm xúc động nói: “Cảm ơn CLB người tình nguyện nhiều lắm vì hỗ trợ cho tôi căn nhà, nếu không chắc đến chết tôi cũng không có được căn nhà như thế”.

Không chỉ giúp đỡ cho những gia đình gặp khó khăn về nhà ở, mà hầu như nghe bất cứ ai, ở đâu, khó khăn gì cần đến sự giúp đỡ thì ông sẵn lòng. Một trong những trường hợp đáng nói là em Chung Tấn Sĩ, ở ấp Tân Thành, thị trấn Búng Tàu. Nhắc đến Sĩ, ông Quang nói với vẻ đầy tự hào: “Thằng Sĩ đã tốt nghiệp đại học rồi, có việc làm ổn định ở Thành phố Hồ Chí Minh, thường xuyên điện thoại hỏi thăm tôi lắm. Nghe nó thành tài là tôi rất mừng”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết Sĩ là con của ông Chung Văn Dũng. Trước đây, gia đình ông Dũng thuộc diện nghèo ở địa phương, không đất sản xuất, hàng ngày phải đi làm thuê kiếm sống. Điều đặc biệt, lúc đó Sĩ ở tuổi ăn tuổi học, nhưng nguy cơ nghỉ học giữa chừng là rất cao. Để tiếp sức em đến trường, CLB hỗ trợ em 300.000 đồng/tháng; khi em đậu đại học cho tới ra trường, CLB vẫn duy trì hỗ trợ. “Chúng tôi còn hỗ trợ cất lại căn nhà trị giá 30 triệu đồng để em an tâm học hành. Rất vui khi Sĩ không phụ lòng chúng tôi đã quan tâm, giúp đỡ”, ông Quang bộc bạch.

Tham gia làm từ thiện đến nay gần 15 năm, ông Quang không nhớ đã giúp đỡ, hỗ trợ bao nhiêu trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, chỉ biết mỗi năm sự giúp đỡ của ông ngày một tăng lên. Riêng năm 2016, CLB đã hỗ trợ hơn 1,3 tỉ đồng cho các trường hợp (ông Quang đóng góp trên 100 triệu đồng). Quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ là vậy, nhưng chưa khi nào ông nghĩ được trả ơn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, nhận xét: “Ông Quang là một trong những tấm gương tiêu biểu của thị trấn trong các hoạt động an sinh xã hội, góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.

Trước khi chia tay, ông Quang cho biết: “Tết này, CLB sẽ tổ chức trao khoảng 300 phần quà cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, góp phần giúp họ đón tết vui tươi, hạnh phúc”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>