Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng

“Chìa khóa” nhân lên sự đoàn kết, tiến bộ, phát triển

21/04/2023 | 09:06 GMT+7

Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp là điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh. Tháo gỡ điểm nghẽn này là nhiệm vụ được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Bài 3: Đổi mới, đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định để phát triển nguồn nhân lực, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ đức, đủ tài, đủ sức phục vụ cho khát vọng xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL.

Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy trao quyết định, tặng hoa cho các đồng chí trúng tuyển kỳ thi và bổ nhiệm chức danh trưởng phòng.

Đó là: Nghị quyết số 05 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án số 04 về thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Đề án số 05 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trên địa bàn tỉnh; Quy định số 1120 về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang...

Xây dựng cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết, các nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định về công tác cán bộ được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng trên tinh thần đổi mới, đột phá, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, khát vọng, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

Chẳng hạn như Đề án số 04 nhằm tuyển chọn những người thực sự có tài năng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt thông qua thi tuyển để bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh. Tạo tính đột phá trong công tác cán bộ, đồng thời là một trong những giải pháp giúp các cơ quan, đơn vị tuyển chọn người để bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Phạm vi áp dụng của đề án là tổ chức thi tuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng (tương đương), đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; phòng, ban (tương đương) cấp huyện. Đối tượng tham gia dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong hệ thống chính trị trong và ngoài tỉnh. Các trường hợp dự tuyển phải trải qua phần thi viết 1 bài về kiến thức chung và thi thuyết trình, bảo vệ đề án.

Còn Đề án số 05 hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy đổi mới, khát vọng cống hiến, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; có trình độ, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ…

Điểm đáng chú ý trong Đề án số 05 là đổi mới trong quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ. Theo đó, đối với việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (không áp dụng đối với các trường hợp giới thiệu cán bộ ứng cử) từ nguồn nhân sự tại chỗ trong quy hoạch tại cơ quan, đơn vị, ở bước 2 quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định hiện hành, trước khi tập thể lãnh đạo mở rộng ghi phiếu giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, từng đồng chí có trong quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, điều kiện, trình bày chương trình hành động của cá nhân trong 5 năm tới nếu được bổ nhiệm vào chức vụ dự kiến giới thiệu. Căn cứ vào kết quả trình bày chương trình hành động của từng ứng viên, các thành viên tập thể lãnh đạo mở rộng đánh giá, xem xét và chọn nhân sự giới thiệu bổ nhiệm.

“Với cách làm này, chúng ta vẫn tuân thủ quy trình trong bổ nhiệm cán bộ, nhưng có sự đổi mới là để cho những người đủ tiêu chuẩn trong quy hoạch chức danh lãnh đạo cần bổ nhiệm trình bày chương trình hành động để tập thể lựa chọn người xứng đáng nhất. Qua đó, đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch, giới thiệu được người xứng đáng nhất vào vị trí cần bổ nhiệm”, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đánh giá.

Đối với việc bổ nhiệm lại cán bộ, tại hội nghị cán bộ chủ chốt (hoặc hội nghị toàn thể cán bộ cơ quan), nhân sự được lấy ý kiến bổ nhiệm lại phải báo cáo đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ và trình bày chương trình hành động của cá nhân trong 5 năm tiếp theo khi được bổ nhiệm lại, trước khi các thành viên dự hội nghị bỏ phiếu đồng ý bổ nhiệm lại.

Trong khi đó, điểm đáng chú ý của Quy định số 1120 là lượng hóa bằng điểm số trong đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Qua đó để sàng lọc, khuyến khích tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

Tích cực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện

Nhận thức được tầm quan trọng của các nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định về phát triển nguồn nhân lực nên các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tích cực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, đến nay mang lại kết quả bước đầu.

Tổ chức bộ máy cấp phòng của Văn phòng Tỉnh ủy thời gian qua nhiều phòng chưa có vị trí trưởng phòng mà chỉ giao cấp phó phụ trách phòng, nên việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo chức năng nhiệm vụ còn hạn chế.  Sau khi tiếp thu Đề án số 04, Văn phòng Tỉnh ủy quyết định tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng.

Qua quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký dự tuyển, có 7/8 thí sinh đủ điều kiện dự thi tuyển chức danh trưởng phòng gồm các phòng: Tổng hợp, Cơ yếu - Công nghệ thông tin, Quản trị. Các ứng viên tham gia thi tuyển là cán bộ, công chức đang công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy và một số sở, ngành của tỉnh có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt... Các thí sinh trải qua 2 vòng thi gồm: vòng 1, thi viết kiến thức chung; vòng 2, thi thuyết trình và bảo vệ đề án.

Hội đồng thi tuyển đánh giá kỳ thi tuyển đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh khách quan, công bằng, minh bạch, thực tài. Việc thuyết trình đề án giúp đánh giá tác phong, khả năng diễn đạt, cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề của các ứng viên. Kết quả thi tuyển, có 3 ứng viên trúng tuyển vào các chức danh: Trưởng phòng Tổng hợp, Trưởng phòng Cơ yếu - Công nghệ thông, Trưởng phòng Tài chính Đảng.

“Ba đồng chí trúng tuyển có nhiều kinh nghiệm trong công tác tại văn phòng cấp ủy (thấp nhất 14 năm). Các đồng chí thực sự tiêu biểu về năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức, uy tín, khả năng quy tụ đoàn kết, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của phòng”, ông Đồng Hoàng Dũng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, nhận xét.

Là 1 trong 3 ứng viên trúng tuyển và được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng, bà Lê Thị Mai, Trưởng phòng Tổng hợp Văn phòng Tỉnh ủy, chia sẻ: “Được trúng tuyển và bổ nhiệm lần này là niềm vinh dự, cũng là trọng trách nặng nề, do đó tôi sẽ cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tín nhiệm, niềm tin của lãnh đạo giao phó, làm sao để xây dựng Phòng Tổng hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới như đề án tôi đã xây dựng”.

Trong triển khai thực hiện Đề án số 05 của Tỉnh ủy, các địa phương đã quan tâm công tác luân chuyển cán bộ, qua đó tạo điều kiện cho cán bộ có triển vọng, có trong quy hoạch, nhất là cán bộ trẻ được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các sở, ban, ngành, các địa phương và lãnh đạo tỉnh.

Được luân chuyển từ huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trung vào đầu năm nay, ông Phạm Văn Giàu (nguyên Bí thư Huyện đoàn Vị Thủy) coi đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, ông luôn tự nhủ phải làm thật tốt để đáp lại sự tin tưởng, tín nhiệm mà mọi người dành cho.

“Chân ướt, chân ráo” về xã nên điều đầu tiên ông Giàu làm là nắm chắc tình hình của Đảng bộ, do đó ông chủ động làm việc với chi bộ để nghe anh em nói về những thuận lợi và khó khăn gặp phải. Ông tích cực nghiên cứu, học hỏi những đồng chí đi trước và cấp dưới để có thêm kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết. Rảnh rỗi là ông đi cơ sở, đi để biết được địa phương mình đang gặp khó khăn như thế nào mà có biện pháp tháo gỡ; đi để hiểu được người dân còn trăn trở điều gì để trong lãnh đạo, điều hành sát hợp hơn.

Nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy chưa lâu nhưng ông Giàu cùng với tập thể đã lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ xã. Nổi bật là thực hiện vượt chỉ tiêu tuyển quân năm 2023, khi đưa 28 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong khi chỉ tiêu huyện giao là 23. Công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu quý I/2023 của xã cũng đạt kết quả khả quan...

Ông Giàu chưa sẻ: “Được luân chuyển về cơ sở là cơ hội để tôi rèn luyện và trưởng thành. Do đó, tôi xác định phải không ngừng học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, xây dựng nội bộ đoàn kết và đem hết tâm sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.

Với sự quyết tâm, đổi mới và những giải pháp đồng bộ đã được đề ra giúp niềm tin và sự kỳ vọng về việc Hậu Giang sẽ xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng lớn dần lên. Một khi có được nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ mở ra tương lai phát triển tươi sáng cho tỉnh nhà, bởi Bác đã dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Ông Lư Xuân Sơn, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đánh giá, việc tổ chức triển khai, quán triệt các nghị quyết, đề án, quy định của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực đã được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, đúng theo yêu cầu chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Việc ban hành văn bản để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, đề án, quy định của Tỉnh ủy được cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện khá tốt.

Cũng theo ông Sơn, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22 ngày 9/12/2022 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học, khuyến khích tự đào tạo sau đại học, thu hút nhân lực, biệt phái và luân chuyển trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, UBND tỉnh đã thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển dụng công chức năm 2022. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký nhu cầu tuyển dụng với 114 chỉ tiêu; có 401 thí sinh dự thi, kết quả đã tuyển dụng được 67 công chức trẻ, trình độ công chức được nâng lên (có 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ).

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

-------------------

Bài 4: “Quả ngọt” của sự phát triển

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>