Ứng dụng công nghệ thông tin giúp nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh

08/03/2021 | 07:18 GMT+7

Công nghệ thông tin (CNTT) đang được ứng dụng đồng bộ trong hoạt động khám, chữa bệnh của ngành y tế là giải pháp tích cực thúc đẩy ngành nâng chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.

Trang bị hệ thống khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Gửi hồ sơ giám định trực tuyến gần 98%

Đây là một điểm sáng trong ứng dụng CNTT của ngành y tế. Với kết quả này, Hậu Giang là một trong 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về gửi hồ sơ giám định trực tuyến. Trong đó, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh nỗ lực gửi hồ sơ giám định trực tuyến đạt 100%. Bà Trần Ngọc Phượng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện và Công tác xã hội, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Mỗi ngày việc gửi hồ sơ giám định trực tuyên lên Cổng giám định bảo hiểm y tế đều đạt 100%. Bệnh viện có bố trí nhân lực thực hiện công tác này nên đảm bảo được hiệu quả cao. Nhiều giải pháp ứng dụng CNTT khác cũng đã được thực hiện hiệu quả tại bệnh viện, trong đó có họp không giấy, cuộc họp hoàn toàn bằng máy tính và phần mềm. Trang bị hệ thống khám, chữa bệnh từ xa để góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh”.

Không chỉ ở các bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh, mà các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực cũng đưa công nghệ thông tin vào quản lý và hoạt động hiệu quả. Bà Nguyễn Kim Hồng, Trưởng trạm Y tế xã Đông Phú, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Tại trạm y tế đã triển khai khám, chữa bệnh trên phần mềm và quản lý tiêm chủng, quản lý dân số. Đặc biệt, đang triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe người dân trên phần mềm đã thực hiện đạt trên 80%. Việc quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp người bệnh khi đi khám, chữa bệnh bất kỳ cơ sở nào bác sĩ cũng xem được bệnh lý nền và có những chỉ định điều trị hiệu quả”.

Theo ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế: “Ngành y tế tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ việc ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ, định dạng dữ liệu đầu ra đúng theo quy định của Bộ Y tế, kết quả gửi hồ sơ giám định trực tuyến đạt 97,85%, đứng trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của toàn quốc. Đã triển khai thống nhất 1 phần mềm quản lý y tế cơ sở. Triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại 75/75 trạm y tế, đã lập và quản lý được gần 416.000 hồ sơ điện tử, chiếm tỷ lệ 57% dân số tỉnh. Triển khai hội chẩn trực tuyến với Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19. Tham dự hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ;…. Đã kết nối các thiết bị cận lâm sàng (máy siêu âm, nội soi, xét nghiệm,...) đạt 100% vào phần mềm HIS (ngoại trừ một số máy không có chức năng)”.

Ngành đã triển khai hóa đơn điện tử 11/11 cơ sở có giường bệnh công lập. Triển khai Hệ thống quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2018-2020. Đến thời điểm hiện tại tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu dược quốc gia chiếm tỷ lệ gần 93%. Có 3 cơ sở y tế đưa vào ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Những điểm khó cần khắc phục

Một số hoạt động ứng dụng CNTT đã được các cơ sở đưa vào áp dụng nhưng rất ít người bệnh sử dụng. Tỉnh có 3 đơn vị triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, gồm: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, bày tỏ: “Do đa số bệnh nhân là nông dân, nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng cũng như thẻ tín dụng nên việc thanh toán không dùng tiền mặt ít được sử dụng. Bệnh nhân đã quen sử dụng tiền mặt. Một số ứng dụng khác như đăng ký khám, chữa bệnh qua mạng, qua điện thoại cũng ít. Để thúc đẩy các ứng dụng này cần tăng cường khâu tuyên truyền để người dân nắm và áp dụng. Trước mắt áp dụng trong cán bộ, nhân viên y tế”. Đây là điểm khó chung của hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Dù vẫn còn những khó khăn, tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn lên kế hoạch tiếp tục đưa các ứng dụng mới vào trong quá trình phục vụ người bệnh. Bà Trần Ngọc Phượng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện và Công tác xã hội Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết thêm: “Dự kiến, bệnh viện sẽ đưa vào ứng dụng việc lấy ý kiến người bệnh bằng hệ thống tự động để bệnh nhân tự đánh giá không khảo sát sự hài lòng người bệnh bằng phiếu giấy nữa. Qua đó, sẽ tạo cho người bệnh thuận tiện hơn và thẳng thắn hơn trong đánh giá vì lấy ý kiến bằng phiếu thường có nhân viên y tế ở đó sẽ làm bệnh nhân e ngại, đôi khi đánh giá chưa đúng thực tế”. Đồng thời, dự kiến bệnh viện sẽ triển khai hệ thống để bệnh nhân tự tiếp nhận bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Năm 2021, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhất là trong lĩnh vực khám, chữa bệnh nhằm hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. Ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết thêm: “Ngành phấn đấu 100% cơ sở điều trị ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, 100% cơ sở điều trị trực thuộc Sở Y tế trích xuất dữ liệu đầu ra thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế, 95% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh gửi dữ liệu lên Cổng giám định bảo hiểm y tế đúng ngày, 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện và tuyến xã gửi dữ liệu lên Cổng giám định bảo hiểm y tế đúng ngày, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai ứng dụng CNTT quản lý hồ sơ sức khỏe người dân và phần mềm quản lý y tế cơ sở, phấn đấu 100% người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng II triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS-RIS), hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS). 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập triển khai hội chẩn trực tuyến với các cơ sở y tế tuyến trên và các chuyên gia đầu ngành trong công tác hội chẩn, điều bệnh nhân Covid-19 (nếu có),…”.

Với những mục tiêu này, sẽ kỳ vọng góp phần tích cực nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, quản lý trong hoạt động khám, chữa bệnh. Cung cấp thông tin thống kê y tế một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác, khoa học làm bằng chứng phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách trong lĩnh vực y tế. Đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, thống kê, báo cáo và thanh toán bảo hiểm y tế cũng như ngăn chặn việc lạm dụng lợi dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu 100% người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử

Ngành y tế tỉnh phấn đấu 100% cơ sở điều trị ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, 100% cơ sở điều trị trực thuộc Sở Y tế trích xuất dữ liệu đầu ra thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế, 95% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh gửi dữ liệu lên Cổng giám định bảo hiểm y tế đúng ngày, 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện và tuyến xã gửi dữ liệu lên Cổng giám định bảo hiểm y tế đúng ngày, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai ứng dụng CNTT quản lý hồ sơ sức khỏe người dân và phần mềm quản lý y tế cơ sở, phấn đấu 100% người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử...

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>