Tầm soát bệnh chủ động: Tăng hiệu quả điều trị, giảm lây nhiễm cộng đồng

15/11/2020 | 15:45 GMT+7

Tầm soát các bệnh lao, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản tại cộng đồng đang được Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh phối hợp với ngành y tế các huyện, thị, thành phố tích cực triển khai nhằm chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để đưa vào quản lý và điều trị, vừa tăng hiệu quả và giảm lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Người dân đến khám, tầm soát bệnh tại Trạm Y tế xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp.

Phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời

Là một trong những trường hợp được khám và phát hiện có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, qua đợt khám, tầm soát bệnh lao, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp tổ chức tại Trạm Y tế xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, vào ngày 13-11, ông Đỗ Văn Tăng, ở xã Long Thạnh, bộc bạch: “Nếu không nhờ các bác sĩ mời đi khám, tôi cũng không biết mình có triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bác sĩ tư vấn tôi xin giấy chuyển tuyến và đi khám xác định lại có mắc bệnh này hay không và sẽ được hỗ trợ điều trị. Tôi sẽ đi khám lại để điều trị bệnh sớm nếu có mắc bệnh”.

Dù ở khác xã, nhưng được mời đi khám, tầm soát bệnh tại Trạm Y tế xã Long Thạnh, bà Trương Thị Lê, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cũng sang đây để được khám bệnh. Bà Lê nói: “Vì thời gian gần đây, tôi bị khó thở và mất ngủ nên khi nghe các bác sĩ mời đi khám bệnh là đi ngay. Bác sĩ khám, xét nghiệm đàm, chụp X-quang, khám chức năng hô hấp xem mọi người có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay hen phế quản, bệnh lao không? Tôi nghĩ mình nên đi khám nếu lỡ có bệnh thì điều trị sớm, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”.

Ông Tăng và bà Lê là 2 trong trên 220 người dân ở 3 xã Thạnh Hòa, Tân Long và Long Thạnh được khám tầm soát bệnh tại điểm Trạm Y tế xã Long Thạnh. Theo ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp: “Chúng tôi đã triển khai tầm soát bệnh lao chủ động tại 5 điểm trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực của huyện cho tất cả người có nguy cơ cao mắc bệnh ở 15/15 xã, thị trấn. Qua khám tầm soát nhằm mục đích phát hiện bệnh chủ động, giúp điều trị hiệu quả nhất và nhất là bệnh lao sẽ góp phần giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng”. Những tháng đầu năm 2020, huyện Phụng Hiệp đã khám, phát hiện 240 người mắc bệnh lao và đang được quản lý, điều trị, trong khi chỉ tiêu giao cả năm cần khám, phát hiện 284 người mắc lao. Đợt khám, phát hiện chủ động này cũng giúp huyện hoàn thành chỉ tiêu khám, phát hiện bệnh lao năm nay.

Cần sự hợp tác tích cực hơn từ người dân

Mục tiêu đề ra cho các kế hoạch khám, tầm soát bệnh lao với số lượng khá nhiều, tuy nhiên, số người đến khám, tầm soát ở các điểm thường không đạt theo kế hoạch. Ông Trần Quốc Tùng, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống lao, Trạm Y tế xã Tân Long, chia sẻ: “Chúng tôi rà soát các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh và mời hơn 100 người đi khám, tuy nhiên chỉ vài chục người đi, số còn lại người dân chưa đến để mình có thể tầm soát sớm các bệnh này ở cộng đồng”.

Trong tình hình chung tại các điểm tầm soát, hầu như chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Hầu hết các xã, thị trấn, người đến khám đều chỉ trên dưới 50% mục tiêu đề ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động đi tầm soát các bệnh này trong thời gian tới”.

Thực tế, có nhiều trường hợp phát hiện mắc bệnh lao qua khám tầm soát. Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, cho biết: “Trước đó, trong tháng 9 và tháng 10, chúng tôi đã tổ chức khám, phát hiện các bệnh này tại cộng đồng ở các huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Trại giam Kênh 5 với trên 1.700 người được khám, tầm soát. Kết quả, có trên 140 người mắc bệnh lao được phát hiện. Những trường hợp này sẽ được quản lý và điều trị bệnh”.

Theo các bác sĩ, trong quá trình điều trị rất cần sự hợp tác tốt, tuân thủ điều trị của người bệnh thì hiệu quả điều trị bệnh lao mới đạt cao nhất.

Sau huyện Phụng Hiệp, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh sẽ phối hợp với ngành y tế các huyện, thị, thành phố khác của tỉnh tầm soát bệnh nhân mắc bệnh lao, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Với hoạt động tầm soát bệnh tại cộng đồng sẽ giúp bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính điều trị, kiểm soát tốt bệnh và bệnh nhân mắc bệnh lao được chữa khỏi với tỷ lệ cao, góp phần từng bước giảm các trường hợp mắc lao do lây nhiễm từ người mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện, hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2030.

Người dân chưa chủ động lo cho sức khỏe của mình

Ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Hầu hết các xã, thị trấn, người đến khám đều chỉ trên dưới 50% mục tiêu đề ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động đi tầm soát các bệnh này trong thời gian tới”.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>