Chuyện khởi nghiệp của giới trẻ: Dễ hay khó ?

Bài 2: Không biết khởi nghiệp từ đâu

04/05/2017 | 07:26 GMT+7

Đó là thực trạng chung mà nhiều bạn trẻ gặp phải hiện nay. Cũng vì lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu nên họ chưa mạnh dạn thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Thậm chí, một số người còn “lạc trôi” vào con đường lầm lỗi, để lại những hệ lụy đau lòng.

Nhiều sinh viên đang lo lắng về việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nói về hạn chế trong chuyện khởi nghiệp của giới trẻ ngày nay thì nhiều người cho rằng tình trạng sinh viên ra trường khó tìm việc làm là vấn đề nhức nhối hơn cả…

Ngày tốt nghiệp là ngày thất nghiệp

Là tâm trạng chán nản, bi quan của nhiều tân cử nhân hiện nay khi bước vào đời sau mấy năm ngồi trên giảng đường. Lần đầu xin việc, nhiều sinh viên đã thực sự vỡ mộng để rồi phải chấp nhận ở nhà chờ việc, hoặc làm việc lương thấp tại các khu công nghiệp, hay chọn lao động chân tay để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thực tế trên đang phần nào gây bối rối cho nhiều học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh trong việc quyết định tương lai con mình.

Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tại Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang vào năm 2014, em Nguyễn Thị Mỹ Huỳnh, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, rất thấm thía với câu nói “ngày tốt nghiệp là ngày thất nghiệp”, bởi chính bản thân em cũng từng trải qua điều đó.

Ngày tốt nghiệp, mong ước của Huỳnh là xin vào làm tại cơ quan nhà nước, dù lương không cao nhưng ổn định. Hăm hở nộp hồ sơ vào một cơ quan cấp tỉnh, nhưng đợi mãi chẳng thấy hồi âm khiến lòng Huỳnh nặng trĩu. Không chịu cảnh thất nghiệp, em bôn ba lên thành phố Cần Thơ xin vào làm thư ký văn phòng cho một công ty. Nhưng vì xa nhà, cuộc sống khó khăn nên gần đây em xin về làm tại một trung tâm ngoại ngữ ở thành phố Vị Thanh với nhiệm vụ tư vấn, quản lý học viên,… vốn không liên quan nhiều đến chuyên ngành đã học. Do làm trái ngành nên kiến thức dần mai một, nhưng Huỳnh đành chấp nhận vì không thể tìm được việc như ý muốn.

Thế nhưng, với Huỳnh như vậy đã là may mắn, bởi nhiều bạn chung lớp hiện đang phải làm công nhân tại các khu công nghiệp ở tận Bình Dương. Là cử nhân có bằng cấp hẳn hoi, nhưng giờ họ đang trở thành… công nhân làm việc chân tay nặng nhọc. Có lẽ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ chưa bao giờ nghĩ tới tương lai sẽ như vậy!

Cũng vì chuyện việc làm mà tâm trạng em Nguyễn Thị Loan, sinh viên năm cuối chuyên ngành văn học Trường Đại học Võ Trường Toản, chất chồng lo toan khi ngày tốt nghiệp đang cận kề. Ước mơ trở thành cô giáo của Loan đang khá chông chênh bởi số lượng biên chế, vị trí việc làm của ngành giáo dục ngày càng teo tóp.

Loan tâm sự: “Không riêng ngành giáo dục, bây giờ xin vào làm ở cơ quan nhà nước rất khó khăn. Chuyên ngành em học cũng rất khó xin việc ở các công ty, xí nghiệp tư nhân. Thật sự bây giờ em đang mất định hướng về nghề nghiệp sau này. Em rất lo là công sức học bao nhiêu năm trời mà ra trường không có việc làm thì khổ cho bản thân và gia đình lắm!”.

Một thực tế chung hiện nay là khi cầm tấm bằng cử nhân, kỹ sư trên tay mà không xin được việc làm thì nhiều bạn trẻ sẽ mất phương hướng và không biết bắt đầu từ đâu để khởi nghiệp. Dường như họ thiếu đi dũng khí “vượt lên chính mình” và ngại đương đầu với những thử thách mới; họ rơi vào bị động trước sự chuyển động không ngừng của xã hội, của hoàn cảnh sống. Thậm chí, không ít người trẻ thiếu ý thức, ý chí, động lực để khởi nghiệp; chọn lối sống sai lầm, ích kỷ, gây nguy hại cho xã hội.

Sa ngã

Mới đây, tại Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, Tòa án nhân dân huyện Vị Thủy mở phiên tòa xét xử lưu động về tội mua bán trái phép chất ma túy đối với Huỳnh Minh Phương, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Buổi xét xử hôm đó có khá đông học viên Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đến theo dõi và ai cũng tiếc nuối cho tuổi trẻ bồng bột của Phương.

Mới 24 tuổi đầu nhưng bị cáo được biết đến là tay sử dụng, buôn bán ma túy trái phép có… “tầm”. Với mức án 8 năm tù tòa tuyên, Huỳnh Minh Phương sẽ lãng phí những năm tháng đẹp của tuổi trẻ phía sau song sắt.

Hay vụ án trộm tài sản bị phát hiện rồi ra tay giết người từng gây xôn xao dư luận của Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1997), ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Do túng thiếu nên Linh nảy sinh ý định vào nhà bà Nguyễn Thị Phước để trộm tiền lên Bình Dương thăm bạn gái. Sau khi đột nhập vào nhà, khi đang tìm tài sản thì bà Phước phát hiện nên Linh cầm kéo đâm liên tục nhiều nhát vào người bà Phước dẫn đến tử vong. Tên thủ ác sau đó lấy vàng, tiền để tiêu xài và đi… thăm bạn gái.

Đó là hai trong số nhiều vụ án mà người phạm tội có tuổi đời còn rất trẻ. Xu hướng trẻ hóa tội phạm đang là vấn đề nhức nhối của xã hội ngày nay. Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 10-2016, tổng số vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra trên địa bàn tỉnh là 205 vụ với 263 đối tượng. Theo đánh giá, mức độ phạm tội nguy hiểm cho xã hội do người chưa thành niên, người trẻ tuổi gây ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chính yếu nhất là sai lầm trong lối sống, suy nghĩ và hành động của giới trẻ ngày nay. Một bộ phận giới trẻ không có ý chí cầu tiến, lười lao động, thích hưởng thụ nên có tư tưởng coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác và của chính mình. Họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không. Tác động tiêu cực từ môi trường sống cũng dễ làm giới trẻ sa ngã. Đó là cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Đáng nói là cha mẹ nghiện ngập, cờ bạc, làm ăn phi pháp, có tiền án, tiền sự, ly hôn, đánh đập con cái... cũng có thể dẫn đến việc các em bị lôi kéo vào con đường phạm pháp…

Làm sao để hạn chế những sự việc gây hậu quả đau lòng do người trẻ gây ra như trường hợp của Phương, Linh? Làm sao để khơi dậy lòng nhiệt huyết, nỗ lực cống hiến của tuổi trẻ cho sự phát triển của xã hội?

Đáp án là khi người trẻ có ý thức sống đúng đắn, thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm rường cột của mình. Suy cho cùng, tự tin khởi nghiệp là một trong những con đường mà giới trẻ nên đi, đi để trưởng thành, đi để cống hiến. Nhưng trong sự lúng túng, lẩn quẩn với chuyện khởi nghiệp mà nhiều bạn trẻ gặp phải hiện nay thì xã hội cần có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ. Đặc biệt là nói cho hiểu về những điều cần có và cần phải làm để khởi nghiệp thành công.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố vào cuối năm 2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó có gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp. Con số này đặt ra nhiều thách thức đối với chuyện khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay, đặc biệt là tầng lớp trí thức trẻ.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

------------------

Bài 3: Phải biết định vị bản thân mình

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>