Phát triển mô hình sản xuất hiệu quả

01/04/2019 | 07:53 GMT+7

Thời gian qua, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, chú trọng vào lĩnh vực thế mạnh là nông nghiệp.

Cây trồng chủ lực ở Vị Thắng là cây lúa. Với mục tiêu cải tiến về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường để ổn định đầu ra, giá bán cao hơn, xã đã định hướng sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vừa qua, trên địa bàn xã bắt đầu triển khai mô hình thí điểm canh tác lúa thông minh diện tích trên 12ha, kỳ vọng sẽ thành công và làm cơ sở để nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Nhỏ là một trong những hộ tham gia mô hình thí điểm canh tác lúa thông minh.

Ông Trần Văn Nhỏ, ở ấp 9, xã Vị Thắng, là một trong những hộ được chọn thí điểm mô hình canh tác lúa thông minh. Trong sân nhà ông Nhỏ đang phủ kín bởi những khay mạ lên xanh mướt. Ông đang chăm sóc, tưới nước cho số mạ này để trong vài ngày tới sẽ mang cấy ngoài ruộng, ông Nhỏ cho biết mô hình được hỗ trợ 50% giống và khoảng 2/3 chi phí phân bón. Những ngày đầu ông còn khá phân vân và trăn trở mới quyết định tham gia thí điểm, bởi cách làm này khác hẳn so với những phương pháp trước đây của ông. Tuy nhiên, sau khi gieo mạ ông thấy áp dụng cách gieo trong khay giảm lượng lúa giống xuống chỉ còn 6kg/công, trong khi cách làm truyền thống các năm trước đến 10kg/công. Không chỉ vậy, theo thông tin mô hình này sẽ giảm được lượng phân bón, giảm sâu bệnh hại trên lúa và cây ít bị đổ ngã. Khi trồng đạt yêu cầu, toàn bộ số lúa sẽ được thu mua với giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Ông Nhỏ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện theo mô hình này vào vụ sau nếu kết quả khả quan.

Bên cạnh mô hình thí điểm canh tác lúa thông minh, trong năm 2019, sản xuất lúa ở Vị Thắng còn gặp nhiều thuận lợi khi hệ thống trạm bơm từ nguồn vốn xã hội hóa đã hoàn chỉnh. Hơn 50% số trạm bơm sử dụng điện 3 pha và sắp tới sẽ được đầu tư số còn lại giúp người dân chủ động được nguồn nước tưới, tiết kiệm chi phí và làm các vụ lúa cũng nhẹ công hơn.

Ngoài cây lúa, Vị Thắng còn phát triển nhiều mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, có thể nhân rộng và góp phần cải thiện thu nhập của người dân như nuôi cá thát lát, cá rô đồng, cá trê vàng… Hiện nay, còn có một loài dễ nuôi, có thị trường tiêu thụ khá ổn định và giá cả ít biến động mà nhiều hộ nuôi quan tâm là lươn. Anh Tống Bửu Sơn, ở ấp 12, là người có kinh nghiệm nuôi lươn thịt khoảng 4 năm nay, cho biết chi phí đầu tư con giống và bể nuôi không quá cao và lươn giống mua về chỉ sau 8 tháng nuôi là có thể đạt trọng lượng loại 1 (trên 200gram). Anh thả nuôi trong bể xi măng, hàng ngày cho ăn khoảng 2 lần, chủ yếu là thức ăn công nghiệp và một số loại thức ăn chế biến từ ốc, cá… Tổng chi phí bỏ ra cho mỗi ký lươn khoảng 80.000 đồng. Trong khi đó, giá lươn cao nhất vào mùa khô được thương lái thu mua vào khoảng 200.000 đồng/kg còn thấp nhất khi vào mùa mưa cũng từ 160.000 đồng/kg trở lên. Mỗi đợt anh Sơn bán ra khoảng 200kg, bình quân mang lại thu nhập trên 20 triệu đồng. Thấy được những ưu điểm của mô hình và khả năng áp dụng tại địa phương, sắp tới xã tiếp tục tìm hiểu kỹ về thị trường cũng như đầu mối thu mua, nếu thuận lợi sẽ hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật cho những hộ muốn xây dựng mô hình, từng bước hình thành HTX sản xuất với quy mô lớn hơn.

Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, cho biết: Ngoài tìm hiểu các mô hình tiềm năng, liên kết sản xuất để thành lập HTX, địa phương tiếp tục sáp nhập các HTX nhỏ thành HTX lớn với đông thành viên hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, đào tạo và lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường, từ đó thu hút nhiều hộ tại địa phương tham gia. Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền xã Vị Thắng còn quan tâm đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp địa phương, tìm hiểu và liên kết với các công ty, đơn vị thu mua có uy tín ký hợp đồng bao tiêu để người dân yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>