Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Vùng đất của sông - rạch - kinh – hồ

21/05/2021 | 07:02 GMT+7

Dù tương tự nhiều khu vực địa lý tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vùng đất Vị Thanh có vị trí địa lý, địa hình, địa mạo, địa chất mang đậm những nét riêng. Đặc biệt là nguồn tài nguyên nước với mạng lưới sông - rạch - kinh - hồ chằng chịt; hệ sinh thái mang tính đặc trưng và đa dạng sinh học, cùng thảm thực vật, nguồn động vật hết sức phong phú.

Kinh xáng Xà No đoạn qua địa bàn thành phố Vị Thanh.

Về vị trí địa lý, thành phố Vị Thanh là tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vị Thanh có tứ cận tiếp giáp với nhiều địa phương, trong đó phía Đông Bắc dọc theo kinh xáng Xà No hướng Cần Thơ, giáp các xã Vị Trung và Vị Đông của huyện Vị Thủy; phía Tây Bắc bên kia kinh Xà No, giáp huyện Giồng Riềng (Kiên Giang); phía Tây Nam dọc theo kinh Xà No hướng ra rạch Cái Tư, giáp huyện Gò Quao (Kiên Giang); phía Đông Nam giáp sông Cái Lớn, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy…

 Quan sát địa hình tổng thể, phần lớn thành phố Vị Thanh giống như một bán đảo giới hạn bởi 3 sông rạch lớn bao quanh là sông Cái Lớn, rạch Cái Tư và đoạn 12km kinh xáng Xà No, cùng 6km kinh Xáng Hậu. Trên bản đồ tỉnh, nhìn Vị Thanh rất dễ nhận ra đây là trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu - Bắc bán đảo Cà Mau, qua 3 trục đường thẳng hướng ra biển Tây, biển Đông và ngược lên Cần Thơ, đều trên dưới khoảng 50km. Vùng Vị Thanh còn có địa hình ven sông độc đáo, nhất là phía Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Tân Tiến bởi “nhiều doi, lắm vịnh”, “nhô ra, thụt vô”, với các địa danh Doi Bần, Doi Giếng, vịnh Cây Bàng, vịnh Sáu Cồ…

Về địa hình, địa chất, địa mạo, khu vực nội thị thành phố Vị Thanh có địa hình khá bằng phẳng, mang nét đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Về địa chất, do nằm ở vị trí trung tâm, nên lịch sử địa chất thành phố Vị Thanh cũng mang tính chất chung của địa chất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua nghiên cứu cho thấy, thành phố nằm trong vùng trũng đồng bằng sông Cửu Long, xung quanh là các khối nâng Hòn Khoai ở Vịnh Thái Lan và miệt Hà Tiên, Châu Đốc, Sài Gòn.

Về tài nguyên nước, Vị Thanh là địa bàn nhiều sông, rạch, kinh, phần lớn lấy nước từ sông Hậu, kinh Xà No… góp phần cho nguồn tài nguyên nước ngọt của thành phố vô cùng phong phú; vừa tưới tiêu cho canh tác; nuôi thủy sản; vừa cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân. Hiện thành phố có nhà máy nước sạch và 2 trạm cấp nước “mini”, sử dụng nước mặt làm nguồn cung cấp nước cho 17.329 hộ gia đình sử dụng. Ngoài ra, tầng nước ngầm được khai thác, đưa vào sử dụng có hiệu quả ở độ sâu khoảng 60-110m. Đến năm 2019, thành phố còn 3.530 giếng bơm tay, cung cấp cho 3.530 hộ sử dụng.

Về tình hình xâm nhập mặn, thành phố có địa hình trũng, chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Tây, nên nước mặn xâm nhập vào địa bàn qua sông Cái Lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các xã: Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Vị Tân và phường VII. Khi xảy ra tình trạng hạn mặn hay triều cường xâm nhập, hầu như toàn bộ diện tích thành phố đều bị ảnh hưởng và thời gian lưu lại rất lâu, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Qua quan trắc, điển hình độ mặn cao nhất đo được vào ngày 18-3-2019 tại ngã ba Nước Trong là 10,3%. Để ngăn mặn, tỉnh xây dựng nhiều cống thủy lợi tại Kinh Năm, Kinh Lầu và khoảng 10 cống ngầm cặp sông Nước Đục cùng 10 cống hở, 10 cống ngầm tuyến để bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh.

Về khí hậu, thành phố Vị Thanh có nhiệt độ trung bình 270C, không có chênh lệch quá lớn qua các năm. Tháng 4 có nhiệt độ cao nhất với 350C, thấp nhất là tháng 12 với 20,30C. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, chiếm từ 92%-97% lượng mưa cả năm.

Về sông, rạch, kinh, hồ, Vị Thanh là một “đô thị sông nước”, với hệ thống dòng chảy tự nhiên và nhân tạo, bao gồm sông, rạch và nhiều nhất là mạng lưới kinh đào chằng chịt. Kinh đào bằng máy xáng, gọi là kinh xáng. Theo đó, thành phố có 179 sông, rạch, kinh với 224km dòng chảy xuyên qua nội thành và vùng ven. Đặc biệt, có đến 4 hồ nước lớn nhân tạo trong lòng thành phố, diện tích mỗi hồ từ 15-30ha. Các hồ ra đời do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đào lấy đất đắp nền công trình vừa để tiêu thoát nước trong mùa mưa vừa trữ nước ngọt trong mùa khô sử dụng khi gặp hạn mặn.

Mùa nước nổi về Vị Thanh từ tháng 8 đến tháng 12, đỉnh cao thường xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Vì ở vị trí hạ nguồn sông Hậu - sông Cần Thơ - kinh Xà No, nên nước dâng lên chậm hơn vùng Cần Thơ khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, do đất trũng thấp, nước cầm khá lâu, gọi là đất trầm thủy. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Lúc này, do ảnh hưởng nước thủy triều biển Tây đổ về, theo sông Cái Lớn kéo dài; nên hàng năm gặp nắng hạn thường bị nhiễm mặn, gây tác hại không ít đến việc canh tác.

Có thể nói, về địa lý tự nhiên, vùng đất Vị Thanh có những điểm tương đồng với nhiều địa phương phía bờ Tây sông Hậu. Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy sự khác biệt giữa nơi nước mặn, nơi nước lợ và nơi nước ngọt quanh năm. Do đất Vị Thanh nằm giữa 3 dòng chảy chiến lược: sông Cái Lớn, sông Cái Tư và kinh xáng Xà No; nên đã tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái tự nhiên, hình thành mô hình canh tác lâm nghiệp và nông nghiệp đặc sắc “rừng, rẫy, ruộng, vườn”, sau này phổ biến với mô hình “rừng, rẫy, vườn, ao, chuồng”.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>