Trả lời kiến nghị của cử tri

01/12/2017 | 09:04 GMT+7

(Tiếp theo)

Cử tri kiến nghị:

Hiện nay, một số cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật, phản tuyên truyền trên các phương tiện thông tin mạng gây hoang mang dư luận, mất lòng tin trong nhân dân, thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác; tình trạng lừa đảo, quảng cáo, rao vặt còn xảy ra tràn lan trên thuê bao di động. Do đó, cần quản lý chặt chẽ thong tin báo chí, phim ảnh trên tivi, trên mạng internet nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu niên. Cử tri đề nghị cần kiểm tra và chấn chỉnh các nội dung quảng cáo, thông tin không đúng sự thật, tin nhắn rác của các nhà mạng; có biện pháp chấn chỉnh trong việc quản lý thuê bao di động, sim rác, quản lý đầu số, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.

Thời gian qua, nhiều thông tin sai sự thật trên báo chí gây tác động xấu trong dư luận xã hội đã bị xử lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) trả lời:

c. Đối với tình trạng quảng cáo, thông tin không đúng sự thật trên báo chí.

Đối với các thông tin quảng cáo, rao vặt trên báo chí, yêu cầu hàng đầu của thông tin trên báo chí là phải trung thực, chính xác. Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 4 của Luật Báo chí 2016, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”.

Thời gian qua, về cơ bản báo chí đã làm tốt chức năng phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, thực sự là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, chính xác, kịp thời về tình hình trong nước và thế giới; tuyên truyền, phổ biến, bảo vệ đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thông tin trên báo chí về tình hình trong nước và thế giới trong thời gian qua đã thu hút được sự tập trung chú ý của dư luận xã hội. Nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết và các nhiệm vụ của các cap ủy, chính quyền tới quần chúng nhân dân. Thông tin trên báo chí cũng phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và phong trào hành động cách mạng của nhân dân; phê phán các hiện tượng tiêu cực, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm đó, trong thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng một số cơ quan báo chí do ảnh hưởng của cơ chế thị trường đã có những biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin thiếu sự chọn lọc dẫn đến tình trạng thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Vi phạm quy định của pháp luật về báo chí.

Để khắc phục tình trạng này, cùng với việc hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đúng định hướng tuyên truyền và tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí, Bộ TTTT luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền trên báo chí; tổ chức nhiều buổi làm việc với các cơ quan chủ quản báo chí để kịp thời chấn chỉnh về hoạt động tuyên truyền. Đồng thời xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các sai phạm trong hoạt động báo chí như: Xử phạt hành chính, thu hồi thẻ nhà báo, đình bản... thông qua đó bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về báo chí, hạn chế tối đa những thông tin sai sự thật trên báo chí gây tác động xấu trong dư luận xã hội.

Để tạo điều kiện thuận lợi giúp báo chí phát huy hơn nữa mặt tích cực, khắc phục triệt để sai phạm trong hoạt động báo chí, Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể, rõ ràng về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí, trong đó có nội dung thông tin bị cấm đăng, phát trên báo chí.

Cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo trong Luật, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật Báo chí năm 2016 còn bổ sung, luật hóa, quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó Luật Báo chí năm 2016 quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoản 3 Điều 59 Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định: Lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo, tác giả, tác phẩm báo chí và cá nhân khác có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người đã bị thu hồi thẻ nhà báo chỉ được xem xét cấp lại thẻ nhà báo sau ít nhất 12 tháng kể từ ngày ra quyết định thu hồi thẻ.

Với hành lang pháp lý như đã nêu trên, nhà báo thực hiện đúng quyền hạn, nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp sẽ giup cơ quan báo chí thực hiện tốt chức năng của mình, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.

d. Chấn chỉnh trong việc quản lý thuê bao di động, sim rác, tin nhắn rác, quản lý đầu số, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.

Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với các Sở TTTT, các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp về quản lý, kinh tế, kỹ thuật để tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước, hạn chế tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Kết quả cụ thể như sau:

- Bộ TTTT đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định số 49/2017 ngày 24/4/2017 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011 ngày 06/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013 ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, trong đó quy định chặt chẽ việc đăng ký thông tin thuê bao.

- Ngày 28/10/2016, năm doanh nghiệp viễn thông di động (VNPT, Viettel, MobiFone, Gmobile, Vietnamobile) đã ký kết Bản cam kết với Bộ TTTT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Hiện nay, dưới sự kiểm tra, giám sát của Đoàn kiểm tra, giám sát do Bộ TTTT chủ trì (đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị Bộ TTTT; Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông - Bộ Công an), các doanh nghiệp viễn thông di động đang tiếp tục khẩn trương triển khai việc rà soát, thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối theo các quy định của pháp luật và nội dung bản cam kết. Đồng thời, ngày 11/5/2017, năm doanh nghiệp viễn thông di động cũng đã thống nhất ký Bản cam kết phối hợp, tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác (thời gian triển khai bản cam kết là từ ngày 01/7/2017).

- Bộ cũng đã có công văn đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trên mạng viễn thông di động. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ cũng chu động theo dõi và cập nhật tình hình tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo để đảm bảo tính khách quan và kịp thời trong công tác điều phối, xử lý tình huống khi cần thiết, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, cung cấp dịch vụ nội dung thông tin.

Các biện pháp này đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng SIM rác, tin nhắn rác. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, các Sở TTTT nghiên cứu, triển khai quy định tại Nghị định số 49/2017 cũng như các biện pháp cần thiết khác để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông tin thuê bao di động, góp phần giải quyết triệt để tin nhắn rác.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>