Đổi thay trong đồng bào dân tộc thiểu số

13/10/2020 | 05:09 GMT+7

Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hoàn chỉnh; tư duy sản xuất, kinh doanh thay đổi, đời sống không ngừng nâng lên... là những kết quả nổi bật khi nói về vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Tuyến đường nông thôn vùng đồng bào dân tộc ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, được đầu tư khang trang.

Phát triển kết cấu hạ tầng

“Mấy ngày qua tuy mưa nhưng không ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân ở đây vì có đường bê tông thông thoáng; nếu vài năm trước thì không được như thế”, ông Danh Động, ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh, vừa đi chợ về bằng xe gắn máy, nói.

Trước năm 2016, đường kênh Chùa (trước nhà ông Động) là đường đất, người dân ở đây đi lại gặp khá nhiều khó khăn, nhất là khi mưa. Thực hiện Chương trình 135 dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, tuyến đường được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng.

Từ khi đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi không chỉ người dân ở đây trong đi lại mà còn có nhiều người đến mua nông sản trong hai mùa mưa nắng. “Bây giờ, chúng tôi cần gì có thể điện thoại là chốc lát có tại nhà”, ông Động cho biết thêm.

Cùng với việc đầu tư xây dựng cầu, đường thì xây mới, nâng cấp trường, trạm từ Chương trình 135 cũng được đẩy mạnh thực hiện, như Trường Tiểu học Xà Phiên 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.

Trường Tiểu học Xà Phiên 3 được xây dựng cách đây khá lâu, do thiếu kinh phí nên không được nâng cấp, sửa chữa dẫn đến nhiều phòng học xuống cấp; sân trường đọng nước mỗi khi mưa; thiết bị phục vụ dạy học thiếu thốn.

Thực hiện Chương trình 135 trong đầu tư kết cấu hạ tầng cho đồng bào dân tộc thiểu số, cuối năm 2017, trường được xây mới 8 phòng học và sửa chữa một số phòng chức năng, tổng kinh phí 6,5 tỉ đồng. Đến cuối năm 2018 trường hoàn thành.

Sau khi đưa vào sử dụng, nhà trường bố trí, sắp xếp việc dạy và học thoải mái hơn. Theo đó, trường có 10 lớp, mỗi lớp có 1 phòng học riêng; ban giám hiệu có phòng làm việc cho từng người; máy tính phục vụ dạy học được trang bị đầy đủ... “Bây giờ, việc dạy và học của trường rất thoải mái, chúng tôi an tâm hơn trong việc tập trung nâng cao chất lượng”, thầy Thái Văn Vẹn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xà Phiên 3, cho biết.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn Trung ương bố trí cho tỉnh từ Chương trình 135 là trên 71,7 tỉ đồng. Trong đó, về phát triển kết cấu hạ tầng là hơn 53,5 tỉ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo là hơn 13,1 tỉ đồng; duy tu, bảo dưỡng công trình là trên 3,4 tỉ đồng; đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng là trên 1,5 tỉ đồng... Từ đó, góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo địa phương, tạo điều kiện người dân đi lại thuận lợi, con em an tâm học tập.

Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Các chính sách đầu tư trong đồng bào dân tộc không chỉ thay đổi diện mạo mà còn tạo niềm tin, là động lực để đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, tinh thần đoàn kết, gắn bó dân tộc được giữ vững”.

Đổi mới tư duy sản xuất

Trước đây, khi nói đến đồng bào dân tộc thiểu số nhiều người cho rằng còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng; tư duy sản xuất lạc hậu... nhưng nay đã khác. Nhiều trường hợp mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tận dụng triệt để diện tích đất để đầu tư, kinh doanh nên đời sống bà con không ngừng nâng lên. Trường hợp của ông Danh Út, ở ấp 4, xã Xà Phiên, là một điển hình.

Hộ ông Danh Út chỉ có 2 công đất ruộng nhưng trũng, nhiễm phèn nên năng suất thấp. Để lo gia đình, ngoài làm ruộng, vợ chồng ông còn làm mướn với đủ thứ nghề nhưng nhiều năm không thể thoát nghèo. Trong một lần tham quan mô hình nuôi vịt thịt thoát nghèo của một hộ trên địa bàn, ông Út có ý định thực hiện tại gia đình mình.

Nghĩ rồi làm, tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, ông mua 100 vịt con về nuôi. Sau 2,5 tháng, xuất chuồng, trừ chi phí lời khoảng 5 triệu đồng. Thấy nuôi vịt thịt cho thu nhập khá, ông duy trì từ đó đến nay.

Cùng với đó, tận dụng diện tích mặt nước các ao xung quanh nhà, ông nuôi cá trê, cá tai tượng cũng cho thu nhập khá cao. Theo ông Danh Út, từ nuôi vịt thịt, cá, trừ chi phí lời khoảng 30 triệu đồng/năm, góp phần cải thiện thu nhập gia đình. “Tuy thu nhập của gia đình tôi vẫn còn khiêm tốn nhưng ổn định hơn trước rất nhiều. Tới đây, tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi vịt và cá để cuộc sống sớm khấm khá”, ông Danh Út cho biết.

Đó là một trong rất nhiều trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dám nghĩ, dám làm trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Điều đáng mừng là cách nghĩ, cách làm của họ đã khác, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, cây trồng truyền thống… mà nỗ lực, quyết tâm hơn trong sản xuất, làm giàu từ chính từ đôi tay, khối óc của mình. Từ đó, không ngừng xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập trăm triệu đồng/năm như mô hình nuôi ba ba, lươn, gà...

Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm nên tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh ngày càng giảm. Cụ thể, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh là 31,38%, đến cuối năm 2019, con số này còn 14,5%.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, để đạt kết quả trên, ngoài nỗ lực của từng gia đình đồng bào dân tộc thì sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, chương trình, dự án dành cho họ có vai trò rất quan trọng. Theo đó, từ năm 2016-2020, thực hiện các quyết định 29, 54, 755, 102... trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc chuộc đất sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... Trung ương đã hỗ trợ cho tỉnh trên 16,3 tỉ đồng. Hầu hết người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả; chuyện xây nhà trị giá tỉ đồng không còn hiếm trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Hoàng Triệu cho hay: “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chính sách chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo để đời sống của bà con không ngừng nâng lên”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>