Kinh nghiệm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông

09/12/2020 | 19:48 GMT+7

Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo một số địa phương và cá nhân chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, rất cần được nhân rộng.

Cảnh sát giao thông Công an huyện Vị Thủy xử lý một trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016-2020.

Nhiều cách làm của huyện Vị Thủy

Giai đoạn 2016-2020, huyện Vị Thủy xảy ra 69 vụ tai nạn giao thông, làm 32 người chết, 59 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 200 triệu đồng, so giai đoạn 2011-2015 giảm 9 vụ, giảm 4 người chết, giảm 34 người bị thương.

Để đạt được kết quả như trên, huyện thực hiện đồng bộ những giải pháp phòng tránh, kéo giảm tai nạn giao thông. Cụ thể, tổ chức quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh đến 100% cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về nhiệm vụ công tác bảo đảm TTATGT. Lực lượng cảnh sát giao thông huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, xã, thị trấn thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT; đặc biệt có nhiều sáng kiến xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả 7 mô hình bảo đảm TTATGT đường bộ và đường thủy nội địa, từng bước hình thành, xây dựng “Văn hóa giao thông” trong Nhân dân.

Thường xuyên kiểm tra, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ, kẻ vẽ vạch đường; quản lý tốt các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông; khắc phục kịp thời những bất cập trên lĩnh vực TTATGT đường bộ và đường thủy nội địa. “Tuần tra kiểm soát luôn được tăng cường, xác định đúng địa bàn phức tạp, trọng điểm để phân công, bố trí lực lượng; đồng thời phát huy hiệu quả thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông”, ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết.

Để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn huyện trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung quán triệt, triển khai các văn bản luật và các văn bản về TTATGT đến cán bộ và Nhân dân. Bổ sung, thay thế, kiện toàn Ban chỉ đạo ATGT. Tăng cường quán triệt, giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp cho các lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT.

Song song đó, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đảm bảo khép kín địa bàn, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Có phương án chi tiết, cụ thể, bám sát địa bàn về tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT theo nhiệm vụ đề ra nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất.

Người dân tích cực

Ông Huỳnh Văn Thôn, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, kinh doanh bến đò ngang sông hơn 20 năm nên hiểu được tầm quan trọng trong thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, ông sử dụng phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, đóng bảo hiểm theo quy định; không tự ý thay đổi công năng; không chở quá số người quy định; trang bị đầy đủ áo phao, vật liệu nổi, phao cứu hộ, cứu sinh.

Sử dụng đội ngũ lái phương tiện có đầy đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; tuyệt đối không trưng dụng người lái phương tiện sử dụng ma túy và các chất kích thích khác; không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; lắp đặt các biển báo theo quy định.

Theo ông Thôn, để các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh họat động ổn định đảm bảo TTATGT thì ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các chủ bến, người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa; tăng cường hơn nữa thanh tra, kiểm tra các tuyến giao thông thủy, các bến khách ngang sông để kịp thời phát hiện, xử lý phương tiện, chủ bến vi phạm. “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm những quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa khi đưa khách ngang sông; quan tâm hơn nữa vận động các chủ bến khách, người lái phương tiện ở thị trấn Một Ngàn về tầm quan trọng của TTATGT đường thủy nội địa.     

Giai đoạn 2016-2020, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp nhưng kéo giảm 2 tiêu chí là số vụ và số người bị thương; xuất hiện nhiều cách làm mới, mô hình khá hay, phù hợp. Nếu nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền sâu sát, quyết liệt trong việc triển khai giải pháp bảo đảm TTATGT thì tình hình tai nạn giao thông nơi đó được kéo giảm…

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>