Thuốc lá gây nghiện như thế nào ?

09/05/2018 | 07:56 GMT+7

Nghiện thuốc lá là một trong những chứng nghiện khó cai nhất. Số người nghiện thuốc lá nhiều hơn số người nghiện ma túy hoặc nghiện rượu. Vậy tại sao thuốc lá lại gây nghiện? Tại sao lại khó cai? BS.CKI Lê Văn Chúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hậu Giang (ảnh), trao đổi xoay quanh vấn đề này.

Thưa bác sĩ, vì sao thuốc lá lại gây nghiện ?

- Hút thuốc lá gây nghiện vì hợp chất chính có trong thuốc lá là nicotine. Đây là chất gây nghiện rất tiềm ẩn. Theo nhiều nghiên cứu, nicotine là chất gây nghiện mạnh hơn cả heroin. Trước tiên, nó làm thay đổi sự cân bằng về các hóa chất có trong não như dopamine và noradrenaline và đến lượt những chất này làm thay đổi tâm tính, sự chú ý của con người, nó làm con người cảm thấy sảng khoái. Sau khi hút thuốc chỉ 7 giây sau, nicotine đã có tác dụng hưng phấn lên vỏ não, sự hưng phấn đó được não bộ ghi nhớ. Khi trạng thái hưng phấn qua đi, có nghĩa lượng nicotine dần bị thiếu hụt, lúc này, não bộ sẽ kích thích gây cảm giác thèm thuốc lá, buộc người nghiện hút điếu tiếp theo để cung cấp nicotine trở lại.

Theo bác sĩ, hút bao nhiêu điếu thuốc lá trong một ngày sẽ không nghiện ?

- Có một số người quan niệm, hút nhiều thuốc lá trong nhiều ngày mới nghiện thuốc lá và thuốc lá cũng khó gây nghiện, quan niệm đó là sai lầm. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành của Hoa Kỳ năm 2002 (Tobacco Control) cho thấy, người ta có thể trở nên nghiện thuốc lá chỉ hút 2 điếu trong 1 tuần.

Bên cạnh đó, thanh thiếu niên lại nghiện rất nhanh vì bộ não đang trong giai đoạn trưởng thành, dễ bị tác động hơn so với người đã trưởng thành, hút thuốc lá càng sớm thì nguy cơ trở nên nghiện càng cao. Nữ dễ nghiện hơn nam. Tùy theo đặc điểm thể chất do gen quy định sẽ quyết định mức độ nhạy cảm của thụ thể nicotine trong não đối với nicotine trong thuốc lá, nghiện thuốc lá có thể xảy ra ở người này mà không xảy ra với người khác. Khi thụ thể nicotine nhạy cảm, quá trình nghiện khởi động lập tức từ điếu thuốc đầu tiên, khi nicotine gắn kết lên thụ thể chứ không nhất thiết phải đợi đến khi hút nhiều điếu thuốc mới gây nghiện.

Hiện nay chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá đã triển khai rộng khắp, rất nhiều người biết về tác hại của thuốc lá, họ cũng muốn từ bỏ thuốc lá, nhưng tại sao họ từ bỏ chưa được, thưa bác sĩ ?

- Ngoài cơ chế gây nghiện từ nicotine tôi đã trình bày ở phần trên. Ngày nay, giới chuyên môn đã có thêm nhiều bằng chứng khoa học để xác định nghiện thuốc lá cũng là một bệnh, chứ không chỉ đơn thuần là một thói quen. Do không có nicotine, hoạt động của não bộ sẽ bị cản trở rất nhiều, người hút thuốc lá buộc lòng phải hút thuốc lá mãi để cung cấp cho cơ thể chất nicotine cần thiết đó. Như vậy, nghiện thuốc lá đã thành một bệnh mà không phải là thói quen.

Chính vì tác dụng kích thích nhanh, mạnh, gây hưng phấn tức thời mà nicotine sẽ khiến người nghiện thuốc lá từ trung bình đến nặng và một khi nghiện thì rất khó bỏ. Theo nhiều so sánh, nghiện nicotine cũng khó từ bỏ không thua kém nghiện heroin. Nghiện thuốc lá bao gồm nghiện thực thể và nghiện hành vi. Nghiện thực thể là nghiện chất nicotin trong thuốc lá, còn nghiện hành vi là nghiện động tác cầm điếu thuốc lá mà nhiều người hay gọi là thói quen. Đây là lý do khiến rất nhiều người khó từ bỏ thuốc lá.

Vậy người nghiện thuốc lá phải từ bỏ thuốc lá bằng cách nào là tốt nhất, thưa bác sĩ ?

- Không có phương pháp nào được gọi là “tuyệt vời” để từ bỏ thuốc lá! Không có loại thuốc nào có thể biến một người hôm qua còn hút cả gói thuốc lá, hôm nay lại thành người không hút thuốc lá. Thành công cai thuốc lá không phải nhờ vào “phép lạ” mà phải là “nỗ lực” của bản thân. Như vậy điều kiện kiên quyết để cai thuốc lá thành công chính là: “QUYẾT TÂM CAI THUỐC LÁ” của bản thân người hút thuốc lá. Để giảm nhẹ khó chịu khi cai thuốc lá, khoa học ngày nay đã tìm ra các phương pháp hỗ trợ có hiệu quả, tuy nhiên vì là hỗ trợ nên các phương pháp này không thể thay thế cho quyết tâm của người cai thuốc lá được.

Những biện pháp hỗ trợ có thể kể ra là: tư vấn điều trị nhận thức chuyển đổi hành vi hướng dẫn người cai thuốc lá những kế hoạch, chiến lược giải quyết những tình huống khó khăn, khó chịu khi cai thuốc lá, tránh những “cạm bẫy” khiến người hút thuốc lá tái nghiện; thuốc hỗ trợ bao gồm nicotine thay thế, bupropion, varenicilline giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của hội chứng cai thuốc lá trên người nghiện thực thể - dược lý.

Cho dù đó là phương pháp nào đi nữa thì thành công cai thuốc lá cũng là kết quả của một quá trình trưởng thành lâu dài quyết tâm cai thuốc lá được vun đắp theo thời gian. Tái nghiện không được xem là một thất bại trong cai thuốc lá, ngược lại là một bước cần thiết, là bước đầu tiên đi đến thành công cai thuốc lá.

Theo công bố của Bộ Y tế, điều tra GATS (Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam, năm 2015) cho thấy, tổng số người trưởng thành hút thuốc của nước ta hiện khoảng 15,6 triệu người, trong đó tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 45,3% và nữ giới là 1,1%. Nước ta hiện nay thuộc vào nhóm các quốc gia hút thuốc lá cao trên thế giới.

 

Xin cảm ơn bác sĩ !

BÁ PHÁT thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>