Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em: Việc không chỉ của ngành y tế

05/11/2019 | 19:05 GMT+7

Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm là 11%. Những năm qua, công tác phòng, chống SDD trẻ em ở Hậu Giang được đặc biệt quan tâm. Đây cũng là chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này ?

Bổ sung nhiều rau, củ vào bữa ăn hàng ngày cho trẻ được nhiều gia đình lựa chọn để phòng, chống SDD trẻ em. (Trong ảnh: Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (phải), ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ).

Phòng, chống SDD thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi, có vai trò quan trọng, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ. Ngoài vai trò từ ngành y tế, gia đình được xác định là nhân tố quan trọng góp phần phòng, chống SDD trẻ em. Bởi phụ huynh là người trực tiếp chăm sóc, quan sát sự phát triển của trẻ từ lúc mang thai đến khi chào đời. Nắm bắt được điều này, thời gian qua ngành y tế luôn quan tâm đề ra nhiều giải pháp cập nhật và nâng cao kiến thức cho các bà mẹ có trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai.

Ông Phan Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tiến hành giám sát tại cơ sở, truyền thông và thực hành dinh dưỡng ở cộng đồng. Ngoài ra, những trẻ bị SDD còn được cấp phát thuốc miễn phí bổ sung dinh dưỡng từ 1 đến 3 tháng để theo dõi tình trạng. Dù còn nhiều khó khăn trong vấn đề kinh phí, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm kéo giảm tỷ lệ SDD ở trẻ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết đề ra”.

Với sự chủ động từ tuyến tỉnh, các địa phương cũng quan tâm thực hiện hiệu quả công tác này. Ở huyện Long Mỹ, một địa phương còn nhiều khó khăn, nên các cán bộ phụ trách chương trình dinh dưỡng luôn chú trọng việc cập nhật thông tin, kiến thức cho chị em phụ nữ tại địa phương. Qua đó, giúp họ có thêm một cái nhìn đa chiều, hiểu rõ hơn về tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ nếu bị SDD.

Chị Nguyễn Ngọc Lựu, ở ấp 11, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Nhờ địa phương tư vấn, hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn cho trẻ nên giúp con tôi cải thiện được sức khỏe, hiện cháu hơn 14 tháng và đạt 8,5kg, tăng hơn 1,5kg so 2 tháng trước. Tôi làm theo hướng dẫn của cán bộ chương trình là xay nhuyễn rau, củ, lươn, thịt… để tránh con bị ngán, bởi cháu rất hay kén ăn. Tôi sẽ tiếp tục áp dụng cách chăm con như hiện tại để giúp cải thiện sức khỏe cho cháu tốt hơn”.

Theo chia sẻ từ gia đình chị Lựu, do con trai bị sinh thiếu tháng, lúc ra đời nặng dưới 2.500 gram nên sức khỏe yếu. Bản thân chị Lựu cũng không đi khám sàng lọc, tầm soát trước sinh. Thực tế cho thấy, việc đảm bảo cho thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp việc phòng, chống SDD trẻ em đạt hiệu quả cao. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, nhờ sự hỗ trợ từ hệ thống cộng tác viên, cán bộ chương trình dinh dưỡng đã giúp cháu ngoại 4 tuổi có một sức khỏe tốt. Bà Nhung chia sẻ: “Rau ngót, củ dền, cải đỏ… là những loại thực phẩm tôi thường bổ sung vào bữa ăn cho cháu để tăng cường sức đề kháng, dễ tiêu hóa. Ở địa phương thường thực hành nhiều bữa ăn dinh dưỡng, tuyên truyền thông qua đợt tiêm chủng hay tại nhà nên bản thân mình ý thức lắm. Có sức khỏe tốt nên cháu tôi ít bị bệnh lặt vặt, nhanh nhảu và thông minh”.

SDD ở trẻ là vấn đề thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển, hoạt động, tăng trưởng bình thường của cơ thể, giảm miễn dịch, giảm trí thông minh… Trẻ bị SDD thường xuyên mệt mỏi, không hoạt bát, chán ăn hay quấy khóc, ít ngủ, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng…

Bà Nguyễn Thị Dung, Phó khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, địa phương đã triển khai 2 lần cân trẻ từ 0 đến 5 tuổi và dự kiến trong tháng 11 này sẽ tiếp tục đợt 3. Riêng các trẻ bị SDD chúng tôi còn tiến hành cân hàng quý để chấm biểu đồ dinh dưỡng, xác định tình trạng của các cháu. Mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã thành lập được câu lạc bộ phòng, chống SDD tại cơ sở để hướng dẫn, cung cấp thêm kiến thức cho các bà mẹ về thực hành dinh dưỡng”.

Mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở luôn tăng cường công tác tuyên truyền để các gia đình biết cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đúng cách, hợp lý, khoa học. Chị Nguyễn Thị Kim Yến, ở phường III, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Khi mang thai tôi thường đi kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, nếu có biểu hiện bất thường sẽ can thiệp kịp thời. Khi trong bụng mẹ, con được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng thì lúc chào đời sức khỏe sẽ đảm bảo, dễ nuôi và phát triển tốt”.

Tỷ lệ trẻ SDD thể cân nặng trên địa bàn tỉnh đang được kéo giảm hàng năm. Tuy nhiên, điều quan trọng là tỷ lệ này cần được giảm một cách bền bững. Phối hợp đồng bộ của ngành y tế, người dân, cùng sự đầu tư về nguồn lực kinh phí hoạt động sẽ là hướng đi đúng cho công tác phòng, chống SDD trẻ em. Đó cũng là góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>