Nhiều địa phương xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm

21/02/2017 | 16:15 GMT+7

Chiều 20-2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn bàn biện pháp chủ động phòng chống cúm và khởi động Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh cúm gia cầm trên người trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người tại Trung Quốc và cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm ở Campuchia.

Tại cuộc họp, đại diện Cục Thú y, Bộ NN-PTNT cho biết, trong 2 tháng đầu năm đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại các xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Riêng ổ dịch tại cúm gia cầm tại 3 hộ thuộc xã Trực Thuận, ngày 20-2 đã tiêu hủy 3.600 con gia cầm. Đặc biệt, UBND huyện Trực Ninh đã ra quyết định công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Bên cạnh đó, tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cũng ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm.

Ngành chăn nuôi gia cầm đang đứng trước nhiều rủi ro về dịch bệnh

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ tháng 10-2016 đến nay, tại Trung Quốc phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, tập trung ở 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, gần một nửa trong số đó đã tử vong. Điều đáng lo ngại là cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng và thường tăng cao vào mùa đông xuân, liên quan đến việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm.

Tại Campuchia cũng đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng trong tháng 1 vừa qua. Đây là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta.

Khẳng định không có dịch cúm trên gia cầm sẽ không có dịch cúm trên người, Bộ Y tế đã đề nghị các bộ, ngành chức năng cùng vào cuộc, chủ động các biện pháp phòng chống, kiểm soát tốt việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, không để gia cầm nhập lậu qua biên giới; các đơn vị chức năng trực thuộc giám sát chặt chẽ các ca bệnh tại khu vực dọc biên giới; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với những người nghi mắc bệnh và những người chuyên tiếp xúc, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm. Bên cạnh đó, sẽ phát động đợt phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại những vùng nguy cơ cao trên toàn quốc. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp phòng chống, không để dịch bệnh lây sang người, tuyệt đối không ăn tiết canh, không chế biến, ăn thịt gia cầm ốm hoặc chết.

Chiều cùng ngày, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết đơn vị đang tăng cường kiểm tra, giám sát dịch cúm gia cầm ở các cửa ngõ, chợ đầu mối, các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm... trên địa bàn thành phố.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP trong ngày 20-2, tại một số chợ tự phát, tình trạng bày bán gia cầm sống chưa kiểm dịch vẫn diễn ra tràn lan, như điểm bán gần khu chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12), một số điểm bán di động trên đường Nguyễn Văn Linh (giáp ranh quận 7 và huyện Bình Chánh)... Thống kê của lực lượng liên ngành TPHCM (quản lý thị trường, thú y...), từ đầu tháng 2 đến nay đã kiểm tra, phát hiện khoảng 30 vụ vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc; bàn giao cơ quan thú y xử lý gần 1,3 tấn thịt gia súc, gia cầm trôi nổi; hơn 120 quả trứng, trên 200 con gia cầm các loại không rõ xuất xứ...

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, một số công ty đã thiết lập quy trình giám sát dịch bệnh, khử trùng, tăng tần suất kiểm soát ở các trang trại chăn nuôi, giết mổ; hạn chế bụi, côn trùng, dịch bệnh xâm nhập trang trại… Trước thắc mắc của người tiêu dùng về khả năng gia cầm bệnh tuồn theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam, lãnh đạo một số công ty chuyên doanh gia cầm cho rằng, người tiêu dùng TPHCM đừng quá lo ngại, bởi thực tế khoảng cách địa lý quá xa, chi phí vận chuyển tốn kém nên các thương lái hầu như không chọn phương thức này.

Theo NGUYỄN QUỐC - THI HỒNG/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>