Khẩn trương dập dịch phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

06/03/2019 | 08:41 GMT+7

Những ngày gần đây, tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A. Tại địa bàn ấp Long An là nơi tập trung các cas bệnh sốt xuất huyết tạo thành ổ dịch vừa được ngành y tế vào cuộc thực hiện phòng, chống.

Phun hóa chất dập dịch tại nhà dân.

Bà Đặng Thị Mỹ Linh, Trưởng trạm Y tế thị trấn Cái Tắc, cho biết: “Trên địa bàn có 5 cas bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên đều tập trung ở ấp Long An và xuất hiện thời điểm gần đây, khoảng cách giữa các nhà có cas bệnh ở gần nhau, đây là vấn đề cho thấy dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở ấp. Trước tình hình dịch bệnh xảy ra, chúng tôi đã tham mưu với Trung tâm Y tế huyện, có được sự chỉ đạo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tăng cường thực hiện các giải pháp phòng bệnh ở địa bàn này”.

Bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra và tạo nên một sự lo lắng cho các gia đình. Bà Trần Thị Kiều Hạnh, mẹ của bé Lê Kiều Anh Thư, 13 tuổi, nói: “Cháu mắc bệnh sốt xuất huyết nằm viện cả tuần lễ để điều trị mới được xuất viện. Thấy con khỏi bệnh gia đình rất mừng. Khi bị bệnh cháu bị sốt và đau đầu, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và việc học tập của cháu. Trước đó không lâu, người cậu ở kế bên nhà cũng đã mắc bệnh sốt xuất huyết, tình trạng cũng khá nặng, tuy nhiên được điều trị khỏi và xuất viện về nhà”.

Cạnh bên là gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Mến, trong nhà có đến 3 người mắc bệnh sốt xuất huyết. Chị Mến chia sẻ: “Cả 3 người mắc bệnh một lượt, gồm: tôi, một người em trai của tôi và con gái tôi được 13 tuổi, đều phải nằm viện điều trị. May mà 3 người đã khỏi bệnh. Trước đây, cũng có nghe nói về bệnh sốt xuất huyết rất nhiều rồi, gia đình cũng quan tâm công tác phòng bệnh, không để dụng cụ chứa nước có lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt,… Cạnh nhà trước đó cũng có một người mắc bệnh sốt xuất huyết, mình cũng phòng tránh muỗi đốt, tuy nhiên đôi khi vẫn bị muỗi chích mà không hay”.

Cách nhà chị Mến một căn, em Nguyễn Hoàng Huy, 14 tuổi, cũng vừa điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết được xuất viện. Em cũng có biểu hiện sốt và nhức đầu. Bị bệnh nên cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập của em ở trường. Qua các trường hợp mắc bệnh ở ấp cho thấy bệnh sốt xuất huyết không ngoại lệ mà người lớn hay trẻ em đều có thể mắc bệnh.

“Nhìn chung người dân ở địa phương có kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, nhưng việc thực hiện phòng bệnh đôi khi còn khá lơ là. Vì vậy, chúng tôi đã tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động đến từng nhà dân ở trong ấp để kiểm tra lăng quăng, môi trường sống và tuyên truyền người dân diệt lăng quăng, đổ các dụng cụ chứa nước có lăng quăng để phòng tránh muỗi đốt. Đồng thời, vận động người dân phối hợp với ngành y tế để thực hiện phun hóa chất dập dịch diện rộng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ở ấp. Đã phun hóa chất dập dịch diện rộng phòng bệnh này trên 300 nhà dân”, ông Huỳnh Văn Phát, Trưởng ấp Long An, nói.

Nhận thức của người dân về phòng bệnh sốt xuất huyết cũng đã chuyển biến tích cực hơn sau khi các hoạt động phòng, chống dịch bệnh được thực hiện. Bà Phạm Thị Sương nói: “Gia đình tôi cũng rất quan tâm khi dự trữ nước, các dụng cụ chứa nước luôn đậy kín và nấu nước sôi để đổ vào các kiệu, không để lăng quăng phát triển. Nhà có trẻ nhỏ nên cũng thường xuyên thực hiện các giải pháp phòng, tránh muỗi đốt. Chúng tôi cũng biết vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn. Được cán bộ đi tuyên truyền vận động, gia đình cũng tích cực hưởng ứng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chỉ mong đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả ấp”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (phải), Giám đốc Sở Y tế tỉnh, trực tiếp giám sát và kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước tại nhà dân.

Dù vậy, qua đi thực tế một số hộ vẫn chưa có kiến thức đầy đủ và chưa hiểu đúng về ý nghĩa của việc phòng, chống dịch bệnh. Một số hộ dân ở đây chưa thật sự đồng ý hợp tác để cán bộ y tế phun hóa chất dập dịch tại hộ gia đình mình. Đây là một trong những vấn đề khó khăn thường gặp phải trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh: “Qua khảo sát, một số hộ gia đình còn chưa quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống dịch bệnh dù chúng ta đã đi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đổ lăng quăng, nên khi kiểm tra lại vẫn còn một số gia đình trong dụng cụ chứa nước còn lăng quăng. Vấn đề phòng, chống dịch bệnh không chỉ riêng ngành y tế mà nhân tố quyết định quan trọng đó là ý thức của người dân. Các gia đình phải thường xuyên thực hiện các giải pháp phòng bệnh như vậy mới góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả ở địa phương, đảm bảo sức khỏe cho bản thân gia đình mình và những người xung quanh”.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện đã ghi nhận 49 cas bệnh sốt xuất huyết, tăng 25 cas so với cùng kỳ, tại huyện Châu Thành A có 14 cas bệnh, trong đó thị trấn Cái Tắc có 5 cas bệnh. Đây là địa bàn có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh. Không chỉ tích cực quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh ở thị trấn Cái Tắc hay ở huyện Châu Thành A mà chúng tôi đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch tại tất cả các huyện, thị, thành của tỉnh. Chúng tôi đã có công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền trong Nhân dân, kịp thời giám sát xử lý dịch. Người dân cần hiểu đúng hơn về việc phun hóa chất diệt muỗi không ảnh hưởng gì đến sức khỏe theo chứng minh của khoa học. Trong khi phun hóa chất diệt muỗi, chúng tôi đã vận động người dân ra ngoài khoảng 30 phút rồi mới vào nhà”. 

Phun hóa chất dập dịch diện rộng chỉ là một giải pháp tình thế, tuy nhiên để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thì người dân phải duy trì thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt. Đây là một trong những việc làm thiết thực nhất để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại gia đình và tại cộng đồng.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>