Hậu Giang tăng cường phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản

08/03/2017 | 08:19 GMT+7

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản là hai bệnh hô hấp phổ biến nhất với tỷ lệ tàn phế và tử vong cao trong các bệnh hô hấp hiện nay, Hậu Giang đã và đang tăng cường phòng, chống bệnh này.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: HỒNG DIỄM

Việc phát hiện sớm, can thiệp sớm, yếu tố bệnh nặng sẽ giảm đi, giảm nguy cơ mắc những đợt cấp làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đe dọa tính mạng người bệnh.

Sàng lọc để phát hiện bệnh sớm

BSCKII. Nguyễn Thanh Hiểu, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hậu Giang, đơn vị triển khai Dự án phòng chống COPD và hen phế quản, cho biết: “Rất nhiều người có những yếu tố nguy cơ mà không biết mình bị bệnh để được can thiệp sớm, dẫn đến khi đến khám bệnh đã diễn biến nặng phải nằm viện điều trị dài ngày. Theo đó, ngành y tế Hậu Giang chủ động khuyến cáo những người có ít nhất một trong số các yếu tố nguy cơ sau nên đi khám để sàng lọc bệnh COPD: Hút thuốc lá, thuốc lào hơn 10 năm; thường xuyên tiếp xúc khói, bụi, hóa chất; khó thở nặng dần theo thời gian; ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm; thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng; bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc mắc hen phế quản”.

Mục đích của việc khám sàng lọc là tạo cơ hội cho những người bị bệnh về đường hô hấp, hen phế quản và COPD được thăm dò chức năng hô hấp, đồng thời người dân cũng được tiếp cận với các thầy thuốc. Việc khám, phát hiện sớm bệnh hen phế quản và COPD sẽ giúp cho quá trình điều trị bệnh được hiệu quả hơn, ít biến chứng hơn. Bởi trên thực tế, hiện nay, có rất nhiều người bệnh không có điều kiện để khám, phát hiện và điều trị sớm nên họ thường đến các cơ sở y tế điều trị khi bệnh đã quá nặng, có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tăng cường năng lực phát hiện và điều trị

Theo bác sĩ Hiểu, trong thời gian tới Dự án phòng, chống COPD và hen phế quản sẽ tập trung trong việc đào tạo bác sĩ tuyến cơ sở để họ đủ năng lực khám phát hiện, điều trị bệnh COPD và hen phế quản tại 8 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh COPD và hen phế quản thông qua treo băng rôn, pano tại các tuyến đường nơi đông người qua lại, tổ chức tuyên truyền qua Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; tổ chức khám, đo chức năng hô hấp theo hướng dẫn của Ban Quản lý Dự án Trung ương cho đối tượng trẻ từ 6-15 tuổi và người trên 40 tuổi để phát hiện bệnh đưa vào điều trị và quản lý theo chương trình. Ngoài ra, thành lập câu lạc bộ (CLB) bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản sinh hoạt mỗi quý một lần để bệnh nhân được tham gia trao đổi, giao lưu với bác sĩ, được nhắc lại những vấn đề bệnh lý, khuyến cáo mới, cách sử dụng thuốc. Khi tham gia CLB, người bệnh cũng được trao đổi, giao lưu với những người bệnh cùng cảnh, giúp họ có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.

Theo bác sĩ Hiểu, sai lầm phổ biến của người bệnh COPD và hen phế quản hàng đầu hiện nay là sự tuân thủ điều trị kém. Bệnh nhân sau khi được bác sĩ kê đơn, hướng dẫn 1 tháng tái khám trở lại để được kê đơn mới nhưng bệnh nhân thường không tái khám lại. Vì nhiều lý do, trong đó lý do không có điều kiện đi khám, kinh tế. Cũng có những bệnh nhân mua lại thuốc cũ để sử dụng, nhưng cũng có những bệnh nhân nghĩ rằng chỉ cần một đơn là khỏi, bệnh nhân cho rằng điều trị ở viện là khỏi rồi, không phải quay lại nữa. Các dụng cụ cấp thuốc giãn phế quản, những thuốc tốt, ưu tiên loại 1 là phun, xịt, hít, khí dung, là những thuốc duy trì cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính lại được để trong những dụng cụ riêng biệt, đòi hỏi phải được hướng dẫn, người bệnh phải biết sử dụng đúng dụng cụ đó thì việc điều trị mới đạt kết quả cao.

Bệnh COPD là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể phòng ngừa nếu được phát hiện sớm và kiểm soát tốt sẽ làm giảm triệu chứng của bệnh, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa cũng như phát hiện, điều trị kịp thời, nhằm đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những kết quả ban đầu trong nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,2% và tỷ lệ mắc hen phế quản là 4,1%. Mặc dù y học đã có nhiều cố gắng trong chẩn đoán cũng như điều trị nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của 2 bệnh này vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.

 

BÁ PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>