Giúp người bệnh bớt thiệt thòi

25/04/2018 | 08:51 GMT+7

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, đây được xem là một bước tiến mới của ngành y tế Hậu Giang để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Để hiểu rõ hơn về việc triển khai đề án này, chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với ông Châu Văn Đính (ảnh), Phó Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc triển khai đề án tại Hậu Giang người bệnh sẽ hưởng lợi gì, thưa ông ?

- Theo chia sẻ từ Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khoa Ngoại chấn thương tại đơn vị hoạt động với công suất sử dụng giường bệnh là 115%, sự đầu tư về trang thiết bị còn hạn chế, trình độ kỹ năng tay nghề cán bộ chưa cao. Do đó, hàng năm phải chuyển rất nhiều bệnh lên tuyến trên trong khi mô hình bệnh tật về chấn thương rất đa dạng. Đây chính là thiệt thòi lớn cho người bệnh để được hưởng các kỹ thuật cao trong chăm sóc, điều trị. Vì vậy, việc đầu tư trang thiết bị và phát triển Khoa Ngoại chấn thương trở thành khoa vệ tinh của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh là một yêu cầu khách quan, cần thiết và có tính khả thi cao.

Việc triển khai thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh sẽ góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng điều trị bệnh ở tuyến tỉnh, làm giảm tải bệnh viện. Trong quá trình thực hiện đề án, cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang sẽ được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người dân trong tỉnh và các vùng lân cận. Giúp người dân được thụ hưởng những kỹ thuật y tế cao, giảm chi phí điều trị, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Trong quá trình triển khai, những khó khăn nào sẽ gặp phải, thưa ông ?

- Đề án được chia thành 2 giai đoạn thực hiện, giai đoạn 2016-2018 (từ năm 2016 đến nay đã diễn ra những đợt bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, mua sắm trang thiết bị chuyên ngành, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất…) và giai đoạn 2018-2020. Toàn bộ đề án sẽ bao gồm công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Một số kỹ thuật đã được chuyển giao như gãy xương phức tạp, phẫu thuật nội soi ổ khớp, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật cột sống, vi phẫu mạch máu thần kinh và chuyển vạt da - cơ có cuống mạch. So với những địa phương khác, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai đề án ở Hậu Giang tương đối đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, do Hậu Giang là tỉnh trẻ, gần với thành phố Cần Thơ nơi có điều kiện y tế phát triển mạnh, kết hợp cùng với mạng lưới giao thông nên người dân dễ dàng lên tuyến trên điều trị. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, nguồn nhân sự tại bệnh viện có nhiều thay đổi nên cũng gặp nhiều khó khăn nhất định.

Cas phẫu thuật thay khớp háng toàn phần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang ngay sau lễ ký kết.

Mong muốn và kỳ vọng của hai đơn vị khi thực hiện đề án tại Hậu Giang như thế nào, thưa ông ?

- Tôi mong muốn Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang ngày càng phát triển, quan trọng là giữ được bệnh nhân và giữ người tài. Ngoài ra, rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ UBND tỉnh, Sở Y tế và sự năng động của đơn vị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cũng có thể học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ một số đơn vị bạn, để áp dụng phù hợp với thực tế địa phương. Phương châm của tôi là chậm mà chắc, quan trọng cần tạo sự an tâm, tin tưởng và hài lòng từ người bệnh. Chúng tôi cũng sẵn sàng chuyển giao thêm nhiều kỹ thuật mới trong thời gian tới nếu Bệnh viện Đa khoa tỉnh có nhu cầu nhằm giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế tốt nhất.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG NHUNG thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>