Giải pháp để ngăn chặn bệnh sởi

04/03/2019 | 08:19 GMT+7

Những ngày gần đây, tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy đã ghi nhận những trường hợp nhập viện mắc bệnh sởi. Trong khi, năm 2018 các cas bệnh sởi không xảy ra trong tỉnh. Bệnh sởi có thể lây lan nhanh thành dịch nếu không dự phòng lây bệnh tốt. Công tác dự phòng lây nhiễm căn bệnh này cần được quan tâm thực hiện ở cơ sở y tế và ở cộng đồng.

Khám bệnh cho trẻ mắc sởi tại Khoa nhi.

Theo bác sĩ Lâm Thị Lá, Trưởng khoa nhi, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, hiện tại, trung tâm đang tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân được chẩn đoán là mắc bệnh sởi. Bác sĩ Lá cho biết: “Các bệnh nhân này đang được chúng tôi điều trị cách ly để phòng lây bệnh cho những trẻ khác ở cơ sở y tế. Nhìn chung, tình trạng bệnh của trẻ qua điều trị đến nay đều ổn, điều trị từ 5 đến 7 ngày thì có thể xuất viện”.

Tại buồng bệnh cách ly, bà Phan Thị Bích Hạnh, mẹ bệnh nhân Nguyễn Trọng Nghĩa, 9 tuổi, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, đang chăm sóc em vì có dấu hiệu sốt. Bà Bích Hạnh chia sẻ: “Mới đầu khi phát bệnh, cháu cũng chỉ có biểu hiện ho, sốt, gia đình đưa đi khám bác sĩ tự mua thuốc uống 3 ngày nhưng tình trạng vẫn không khỏi. Sau đó, tình trạng sốt, ho, kèm theo tiêu chảy làm cho gia đình rất lo lắng nên mới đưa cháu đến bệnh viện để điều trị. Đến đây, bác sĩ cho nhập viện điều trị mấy ngày mới biết cháu mắc bệnh sởi. Hôm nay vẫn còn sốt nhưng đã đỡ hơn rất nhiều so với mấy ngày trước. Khắp người cháu nổi ban đỏ, gia đình cũng thấy lo lắng. Đó giờ chỉ nghe bệnh sởi nhưng cháu chưa mắc lần nào”.

Cạnh bên, bé Trần Thị Ngọc Mai, 6 tuổi, ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, cũng có biểu hiện sốt, ho khi bắt đầu phát bệnh. Bà Nguyễn Thị Hái, mẹ bé Mai, nói: “Mấy ngày trước do bệnh, cháu không chịu ăn uống gì nhiều, nóng cũng nhiều, đến giờ vẫn chưa hết hẵn, toàn thân nổi ban đỏ. Hôm nay, cháu đã ăn được một miếng cháo, gia đình rất mừng. Bác sĩ cũng quan tâm điều trị và hướng dẫn gia đình cách phòng lây bệnh cho người khác”.

Nằm giường đối diện là bé Võ Trọng Phúc, 21 tháng tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng. Mẹ bé là bà Mai Thị Chi cho biết: “Trước giờ có nghe nói bệnh sởi, nhưng chưa biết rõ. Giờ cháu bị bệnh mới biết. Nghe bác sĩ nói bệnh nếu không điều trị kịp thời sẽ có những biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Bác sĩ cho uống thuốc và cũng hướng dẫn chăm sóc cháu khi sốt, nên ăn gì, hạn chế tiếp xúc người khác”.

Theo bác sĩ Võ Thị Hoa, Phó khoa nhi: “Từ đầu năm, bệnh sởi xuất hiện rải rác ở khoa. Đầu tháng 2, theo sổ giao ban ghi nhận 3 cas bệnh, giữa tháng có 2 cas, mới tuần này có 5 cas bệnh. Ngoài bệnh có địa chỉ trên địa bàn tỉnh, có bệnh nhân ở các tỉnh lân cận như Sóc Trăng. Các cháu có biểu hiện sốt, ho và tiêu chảy, nổi ban đỏ từ trên mặt trước rồi nổi dài xuống thân. Những biểu hiện đặc trưng chẩn đoán bệnh sởi. Chúng tôi đã phối hợp với bộ phận y tế dự phòng của trung tâm để lấy mẫu gửi xét nghiệm và báo các cas bệnh về tỉnh, để thực hiện phòng lây bệnh ở cộng đồng”.

Bệnh sởi hiện có vắc-xin phòng bệnh. Vắc-xin sởi được duy trì tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng hàng tháng ở tỉnh. Thực hiện tiêm cho trẻ lúc 9 tháng tuổi (mũi 1) và 18 tháng tuổi (mũi 2). Theo ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 8 cas bệnh sốt phát ban dạng sởi và đã có 4 cas được xác định dương tính với sởi từ đầu năm đến nay. Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền phòng bệnh và chỉ đạo duy trì thực hiện tốt hoạt động tiêm chủng ở các cơ sở y tế. Tỷ lệ miễn dịch đầy đủ ở tỉnh hiện trên 98%, để phòng bệnh cho trẻ các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch”.

Tuy nhiên, việc phòng lây bệnh chéo ở cơ sở y tế cần được quan tâm. Bởi trong thời gian ủ bệnh trẻ chưa có biểu hiện phát ban thì việc chẩn đoán bệnh dễ nhằm lẫn với những bệnh khác nên chưa thực hiện cách ly phòng lây bệnh. Các cơ sở y tế cần có phòng cách ly đảm bảo để phòng lây nhiễm bệnh tốt nhất.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>