Gần 6 năm triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử: Kết quả ra sao ?

21/08/2023 | 19:00 GMT+7

Sau gần 6 năm triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân, ngành y tế đã xây dựng hệ thống dữ liệu hồ sơ sức khỏe cho hầu hết dân số của tỉnh, đây là thành phần cốt lõi để thúc đẩy và triển khai các nền tảng số y tế khác.

Hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân sẽ được cập nhật liên tục, qua đó quản lý, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mọi người.

Trên 90% người dân đã được lập hồ sơ sức khỏe điện tử

Năm 2018, tỉnh thực hiện thí điểm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn 5 huyện, thị, thành phố (thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, Châu Thành, Châu Thành A), sau đó nhân rộng trên phạm vi cả tỉnh. Việc lập hồ sơ sức khỏe do nhân viên y tế ở các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực thực hiện. Với nhiều giải pháp thu thập dữ liệu, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, đến nay tỷ lệ người dân được lập hồ sơ đạt khá cao.

Theo ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế: “Thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh, gần đây là Kế hoạch số 105 năm 2021 về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành y tế giai đoạn 2021-2025, Sở Y tế đã tiếp tục triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại 75 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại đã lập và quản lý được trên 659.300 hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt trên 90% dân số toàn tỉnh”.

Tại một số xã, phường, thị trấn, việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân hầu như đã hoàn tất, đạt trên 95%. Bà Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng trạm Y tế phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy, thông tin: “Chúng tôi đã thực hiện lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân đạt 98%, vượt so với chỉ tiêu được giao là 95%. Song, không thể thực hiện đạt 100% do qua rà soát ban đầu hầu như không tìm được các trường hợp sót lại, chưa lập hồ sơ. Chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị triển khai phần mềm để tiếp tục rà soát nhằm thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe của những người dân còn sót lại, chưa được lập hồ sơ. Đối với những hồ sơ đã được lập sẽ được cập nhật những thay đổi về sức khỏe trong quá trình khám, chữa bệnh. Chúng tôi đang triển khai khám sức khỏe cho người cao tuổi, sau đó sẽ cập nhật các thông tin bệnh mạn tính của người cao tuổi mắc phải vào hồ sơ sức khỏe”.

Thay vì thời gian đầu khi thực hiện, trình độ về công nghệ thông tin một số cán bộ còn hạn chế, cán bộ y tế chưa thành thạo phần mềm nên còn khó triển khai, đến nay, hầu hết nhân viên thực hiện nhiệm vụ này đã thành thạo sử dụng phần mềm.

Qua triển khai dần nâng cao nhận thức của tuyến y tế cơ sở về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe người dân, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Kết quả đã xây dựng được số lượng lớn hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân và thực hiện quản lý sức khỏe người dân liên tục, hướng đến xây dựng nền y tế điện tử, hiện đại, chăm sóc, bảo vệ tốt nhất sức khỏe Nhân dân.

Tiếp tục lập hồ sơ mới và cập nhật thường xuyên, liên tục

Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân là thành phần cốt lõi để thúc đẩy và triển khai các nền tảng số y tế khác cũng như các hệ thống thông tin, các ứng dụng chuyên ngành y tế. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng mỗi hồ sơ sau khi được lập là góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ ngành y tế tỉnh, nhằm đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số y tế.

Song để đạt được kỳ vọng này cần có thêm những bước tiến xa hơn trong kết nối dữ liệu

Ông Nguyễn Tố Anh, Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện và công tác xã hội - truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Một số trạm y tế thực hiện đạt cao trên 95%, nhưng còn một số trạm y tế thực hiện còn đạt thấp đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc lập hồ sơ đạt chỉ tiêu từ 90% trở lên vào cuối năm nay. Việc lập và quản lý hồ sơ gặp một số khó khăn cần khắc phục, như đối chiếu đúng với số liệu thực tế của dân số, do dữ liệu đã được lập nhiều năm nay, có dữ liệu đã cũ, dân số hiện tại chưa được cập nhật mới, phần mềm chưa liên thông được với phần mềm quản lý dân số. Thông tin lập hồ sơ chỉ đơn thuần còn là cơ sở dữ liệu ban đầu, cần được liên thông với các phần mềm liên quan để cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin sức khỏe mới của người dân”.

Việc lập hồ sơ mới và cập nhật hồ sơ sức khỏe người dân là công việc thường xuyên và liên tục mà các trạm y tế thực hiện. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ sẽ khó gia tăng trong thời gian tới nếu không khắc phục được các yếu tố rào cản khách quan.

Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết thêm: “Vì tỷ lệ người dân được lập và quản lý hồ sơ sức khỏe đã tương đối cao, số còn lại thường đi làm ăn xa, không đến cơ sở y tế trên địa bàn thăm khám sức khỏe nên cán bộ y tế không tiếp cận được. Trong quá trình triển khai lập hồ sơ sức khỏe, nhân viên y tế tại các trạm y tế kiêm nhiệm nhiều chương trình y tế nên không có thời gian đi đến từng hộ gia đình để lập hồ sơ cho những trường hợp không có điều kiện đến trạm y tế. Ngoài ra, không có kinh phí phục vụ cho việc điều tra cập nhật thông tin sức khỏe”.

Những vấn đề này cần có hướng tháo gỡ nhằm tiếp tục lập hồ sơ sức khỏe người dân đạt tỷ lệ cao nhất

Không chỉ gia tăng về số lượng hồ sơ mà trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hồ sơ sức khỏe người dân với mục tiêu: Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử phải được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được đối chiếu thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo quy định của Bộ Y tế, mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân gồm các thông tin hành chính (họ tên, giới tính, ngày sinh, số thẻ bảo hiểm y tế,...) và các nhóm thông tin: Nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan sức khỏe (tình trạng lúc sinh, yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân, tiền sử bệnh tật, dị ứng,...); Nhóm thông tin tiêm chủng; Nhóm thông tin khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Người dân có thể được lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân điện tử thông qua các đợt khám, chữa bệnh hay qua điều tra thu thập. Hiện tại, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân do nhân viên y tế thực hiện, nhưng theo định hướng của ngành, dự kiến đến năm 2024 hoặc 2025 người dân có thể tự khai báo các thông tin hồ sơ sức khỏe cá nhân qua app.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>