Điểm sáng khám, chữa bệnh đầu năm

10/04/2017 | 08:42 GMT+7

Cấp cứu, điều trị thành công các cas bệnh nặng, đưa dịch vụ y tế ngày một về gần với dân hơn được bệnh nhân cảm mến, đây là những điểm sáng trong công tác khám, chữa bệnh của tỉnh những tháng đầu năm nay.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc sau phẫu thuật cho bà Lê Thị Tám.

Khẳng định hiệu quả điều trị

Chắc hẳn mọi người chưa quên cas phẫu thuật lấy đầu đạn và mảnh bom nằm ở trong người một cựu nữ giao liên trên 60 tuổi tên Lê Thị Tám, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, do ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện thành công vào cuối tháng 3. Nhờ được phẫu thuật thành công mà bà Tám thoát khỏi được nỗi đau do hai vật này hành bệnh trên 40 năm trời. Bà Tám kể: “Vì có hai vật ở trong người nên thường xuyên làm tôi đau nhức. Đến bệnh viện nhiều lần mà không phẫu thuật được. Lần này, các bác sĩ phẫu thuật lấy hai vật này ra tôi mừng lắm”. Hơn 40 năm trước bà Tám đã trải qua một lần phẫu thuật, nhưng không thể lấy hai vật này ra, các bác sĩ đành khâu lại với một vết sẹo dài ở bụng bà. Lần này, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng phẫu thuật ở vị trí này và thành công.

Theo bác sĩ Phan Thanh Tùng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp: “Qua thông tin từ gia đình bệnh nhân sức khỏe bà Tám hồi phục tốt. Chúng tôi hẹn bệnh nhân tái khám để tiếp tục theo dõi điều trị. Đây là cas mổ lấy dị vật trong người hiếm gặp trước giờ, những cas phẫu thuật sỏi gan thì bệnh viện phẫu thuật thường xuyên”. Sau khi phẫu thuật thành công cas bệnh của bà Tám, bác sĩ Tùng và ê-kíp phẫu thuật đều được UBND tỉnh và Sở Y tế tuyên dương, khen thưởng. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cấp cứu thành công một cas bệnh bị uốn ván toàn thân, giai đoạn toàn phát.

Với hai cas bệnh này đã tạo được bước tiến mới trong công tác khám, điều trị của bệnh viện những tháng đầu năm nay. Sau hơn một tháng triển khai lọc thận nhân tạo tại đơn vị, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy đã thu hút đươc nhiều người bệnh về đăng ký lọc thận. Ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã, cho hay: “Đến nay, trung tâm đã có 31 bệnh nhân đăng ký lọc thận thay vì mới đầu chỉ có 4 bệnh. Chúng tôi đang phối hợp lắp thêm 3 máy lọc thận nữa để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để những bệnh nhân ở địa phương có nhu cầu biết đến đăng ký lọc thận. Dự kiến đến cuối năm, chúng tôi sẽ lắp thêm 7 máy nữa, nâng lên tổng số là 15 máy để phục vụ người bệnh”. Đây là một trong những dịch vụ y tế thiết thực nhất được thực hiện ở trung tâm đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân phải lọc thận, giúp người bệnh giảm rất nhiều thời gian và chi phí đi lại nên số người đăng ký lọc thận đã tăng rất nhiều lần so với ban đầu.

Công tác khám, chữa bệnh những tháng đầu năm cũng đã khởi sắc ở những huyện khó thu hút bệnh như Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A và Châu Thành. Lượng bệnh khám, điều trị ở hai trung tâm này đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2016. Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A có tổng lượt khám chữa bệnh ngoại trú trên 43.500 lượt, tăng gần 10%; Trung tâm Y tế huyện Châu Thành có gần 39.000 lượt khám chữa bệnh ngoại trú, tăng 1.700 lượt. Không chỉ có tuyến huyện mà ở tuyến xã chỉ số thu hút cũng tăng hơn.

Nhưng không ít khó khăn

Dù lượng bệnh đã tăng phấn khởi nhưng khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh là điểm nghẽn cần được khai thông trong những tháng cuối năm này. Ông Trang Văn Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Trung tâm vẫn rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ khám, chữa bệnh dù sau khi sáp nhập đã tăng số lượng bác sĩ so với trước. Hiện nay, trung bình khoa khám bệnh khám có từ 500-700 lượt mỗi ngày, nhưng ở khoa có 6 bác sĩ, trung bình mỗi bác sĩ khám khoảng 100 bệnh nhân một ngày là không đúng theo quy định. Trong số 35 bác sĩ của trung tâm chỉ có 25 người có chứng chỉ hành nghề, những người còn lại chưa được cấp chứng chỉ hành nghề nên cũng gây nhiều khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh”. Nguồn nhân lực thiếu hạn chế rất nhiều để trung tâm y tế huyện triển khai được các kỹ thuật mới.

So với các huyện, thị, thành phố khác, huyện Châu Thành A chỉ có 2 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực có bác sĩ làm việc thường xuyên. Bà Đặng Thị Mỹ Linh, Trưởng trạm Y tế thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, nhận định: “Mỗi ngày trạm khám cho khoảng 20 bệnh nhân. Tổng số lượt khám bệnh đã tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ở trạm chưa có bác sĩ làm việc nên rất khó thu hút bệnh nhân. Trong khi xung quanh có nhiều cơ sở y tế cả công lập, tư nhân đều có bác sĩ và trang thiết bị đầy đủ”.

Ở Phòng khám Đa Khoa khu vực Mái Dầm, huyện Châu Thành, lại khó vì có “tiếng mà không có miếng”. Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phòng khám Đa khoa khu vực Mái Dầm, huyện Châu Thành, cho biết: “Năm 2016, đơn vị được nâng từ trạm y tế lên phòng khám đa khoa khu vực nhưng nhân lực theo biên chế đa số đang đi học, chưa đầy một nửa biên chế ở lại làm việc rất khó khăn. Cơ sở vật chất cũng chưa được đầu tư xứng tầm với một phòng khám, vị trí cũng không thuận lợi nên khó có thể phát huy được công tác khám, chữa bệnh ở đây”…

Với những khó khăn về nguồn nhân lực y tế như hiện tại đã làm hạn chế rất nhiều việc nâng cao chất lượng điều trị ở tuyến y tế cơ sở.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>