Cần có chính sách hỗ trợ phát triển nông sản, thực phẩm sạch

27/04/2017 | 08:29 GMT+7

Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh vừa triển khai tháng cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Khởi (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang. Ông Khởi cho biết:

- Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm lần này, chúng tôi tập trung 3 vấn đề lớn. Cụ thể là tiến hành tái kiểm tra lại các cơ sở vi phạm trước đó có cam kết khắc phục; giám sát việc thực thi của các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết an toàn thực phẩm; tập trung kiểm tra việc chấp hành ở các cơ sở mới kinh doanh.

Thưa ông, điểm nhấn của Tháng cao điểm hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay là gì ?

- Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm cho thành lập 2 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành do Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì. Theo đó, từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn sẽ tập trung vào công tác thanh, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, chế biến các mặt hàng thực phẩm; lồng ghép việc thanh, kiểm tra các cơ sở nấu rượu nhỏ lẻ trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời tiến hành thẩm định điều kiện sản xuất, kinh doanh, các thủ tục công bố sản phẩm phù hợp quy chuẩn, cho test định tính nồng độ methenol trong các sản phẩm rượu… Qua đó, nếu phát hiện trường hợp dương tính với methanol, ngành chuyên môn sẽ tiến hành các bước định lượng và xử lý theo quy định.

Như vậy, trong tháng hành động lần này, các đoàn liên ngành của tỉnh tập trung kiểm tra quy trình sản xuất, cung ứng chuỗi an toàn thực phẩm từ lĩnh vực nông nghiệp đến chế biến, kinh doanh, tiêu dùng. Mặt khác, thanh, kiểm tra tình hình sản xuất, chế biến rượu nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống trên địa bàn tỉnh. Qua đây, lồng ghép tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của ngộ độc rượu, nhất là tình trạng sử dụng rượu có nồng độ methanol cao, gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người.

Vì sao trong Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay lại chọn chủ đề là “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn - kiểm soát và phòng tránh ngộ độc rượu”, thưa ông ?

- Có thể nói sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm là cả một chuỗi liên kết từ sản xuất đến bàn ăn, mà trong đó yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Còn người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn trong việc chọn mua và sử dụng thực phẩm. Riêng việc quan tâm kiểm soát và phòng ngừa ngộ độc rượu là bởi gần đây, ở các tỉnh khu vực phía Bắc xuất hiện các vụ ngộ độc, thậm chí đã có trường hợp tử vong do ngộ độc rượu.

Thực tế trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất, chế biến rượu nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống còn khá nhiều. Chủ yếu người dân nấu rượu tiêu thụ tại địa phương, sau đó tận dụng hèm nuôi heo để kiếm lời. Tuy nhiên gần đây, có hai vấn đề khiến chúng tôi lo ngại. Thứ nhất là việc sử dụng các loại men không rõ nguồn gốc trong quá trình chế biến, khiến nồng độ methanol tăng cao. Thứ hai là vì lợi nhuận mà xuất hiện trường hợp pha chế rượu bằng cồn công nghiệp. Nếu dùng phải loại rượu này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, võng mạc và một số cơ quan khác như gan, thận, thậm chí tử vong.

Theo thống kê, dù những năm gần đây không xảy ra số vụ ngộ độc rượu trên 30 người, nhưng các trường hợp ngộ độc rượu riêng lẻ vẫn còn xuất hiện. Nhân đây, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân sử dụng rượu khi biết rõ nguồn gốc, không nên ngâm rượu với các con vật hoặc lá cây mà chưa xác định rõ độc tính, không uống rượu có nồng độ quá cao và uống với số lượng nhiều. Nếu ngộ độc rượu nặng có thể tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời.

Thưa ông, ngoài việc triển khai tháng cao điểm lần này, ngành chức năng còn đề ra những giải pháp nào để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian tới ?

- Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay thông qua các tờ rơi. Đồng thời thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, các cấp, các ngành để tác động đến cộng đồng nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, lồng ghép các đợt thanh, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, nhắc nhở các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Cũng như tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành nông nghiệp, y tế, công thương trên lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm. Còn về lâu dài, chúng tôi cho rằng cần phải có những chính sách hỗ trợ phát triển nông sản, thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong quý I năm nay, toàn tỉnh có 194 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, trong đó có 7 cơ sở bị phạt với số tiền hơn 21 triệu đồng. Một số lỗi vi phạm chủ yếu như chưa khám sức khỏe định kỳ; chưa xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đầy đủ cho tất cả những người tham gia trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; điều kiện vệ sinh khu vực sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định; nguyên liệu và phụ gia để chế biến không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ; nhãn sản phẩm thực phẩm ghi sai so với công bố sản phẩm…

 

Xin cảm ơn ông !

  KỲ ANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>