Bệnh ho gà vẫn lưu hành ở Hậu Giang

10/03/2017 | 07:34 GMT+7

Những năm gần đây, bệnh ho gà vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh dù số cas mắc không nhiều. Tuy nhiên, theo nhận định của tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lành (ảnh), Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, dịch bệnh cũng có khả năng xảy ra trên địa bàn tỉnh nếu công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh không được quan tâm đúng mức.

Trước tiên, xin ông cho biết tình hình bệnh ho gà của tỉnh những năm gần đây ?

- Sau hơn 30 năm triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh thì số lượng người mắc bệnh đã giảm rất nhiều. Trên địa bàn tỉnh, hiện tại tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin phòng bệnh này đạt khoảng 98%, tương đối cao so với mục tiêu đề ra của Bộ Y tế là 95%. Tuy nhiên, vẫn có những cas bệnh ho gà được ghi nhận dù rất ít. Năm 2014, trong khi 20 tỉnh, thành phía Nam có 38 cas bệnh thì tỉnh không có cas bệnh nào. Năm 2015, trong 41 cas bệnh của 20 tỉnh, thành phía Nam, thì Hậu Giang có 3 cas. Còn năm 2016, tỉnh có 1 cas bệnh. Riêng hơn 2 tháng đầu năm nay chưa ghi nhận cas bệnh nào. Tuy nhiên, qua đặc điểm các cas bệnh cho thấy đa số chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi…

Thưa ông, vậy vẫn còn 2% trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh ?

- 2% trong tổng số 12.000-13.000 trẻ trong diện tiêm vắc-xin mỗi năm tương đương khoảng 250 trẻ, bên cạnh đó, những trẻ đã tiêm vắc-xin cũng không hoàn toàn khẳng định là không mắc bệnh ho gà, các nghiên cứu cho thấy khoảng 95% trẻ được bảo vệ chống lại bệnh này khi tiêm đủ mũi, còn lại khoảng 5% trẻ không đáp ứng với vắc-xin (khoảng 600 trẻ/năm). Như vậy, trung bình mỗi năm tỉnh còn khoảng 850 trẻ chưa được miễn dịch, con số này thật sự không nhỏ. Trong đó, chưa kể những trường hợp tiêm không đủ mũi nên nguy cơ xảy ra cas bệnh là có thể.

Bệnh ho gà thật sự nguy hiểm như thế nào, thưa ông ?

- Theo thông tin của Bộ Y tế, hơn 2 tháng qua đã có các trường hợp trẻ tử vong vì mắc bệnh ho gà, cho thấy sự nguy hiểm của nó. Thường thì ở giai đoạn khởi phát, việc chẩn đoán bệnh ho gà có thể nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp trên vì có những biểu hiện tương tự. Tuy nhiên, đến giai đoạn toàn phát có những cơn ho đặc trưng của bệnh ho gà như ho thành từng cơn, sau cơn ho bệnh nhân thở rít, tăng tiết đàm giải trong suốt và sau đó nôn ói. Biến chứng nguy hiểm: viêm phổi chiếm khoảng 2-3%; biến chứng có cơn ngừng thở hay thở chậm chiếm khoảng 67%; biến chứng tử vong đối với trẻ em dưới 5 tuổi khoảng 1,6%, nhưng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh vì trẻ không thể chịu đựng các cơn ho.

Vậy làm cách nào để phòng bệnh hiệu quả, thưa ông ?

- Bệnh ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, lây qua tiếp xúc trực tiếp hay dịch tiết đường hô hấp của người bệnh. Để phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc-xin. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi và tuyên truyền, vận động gia đình tiêm vắc-xin đủ mũi cho trẻ. Các gia đình nên tránh tiếp xúc với nguồn lây, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở thoáng mát, sạch sẽ. Đối với các trường học, nhà trẻ nên tạo môi trường thông thoáng, sạch sẽ, tránh ẩm thấp sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh ho gà phát triển. Nếu nghi ngờ người thân trong gia đình mắc bệnh ho gà nên đưa đến cơ sở y tế để khám bệnh và thực hiện cách ly để phòng tránh lây bệnh cho nhiều người khác.

Hiện nay, có 2 loại vắc-xin phòng bệnh ho gà: vắc-xin DTP (phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván); vắc-xin Quinvaxem (phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib). Lịch tiêm chủng: mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng.

 

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>